A Khinh – Chương 12

    Thuộc truyện: A Khinh

    Thành Bái báo nơi ở của mình cho Diệp Pháp Sư, sau khi nói lời tạm biệt liền lập tức vác gùi sách chạy tới tiểu lâu trên đường Chu Tước. Chỉ thấy người người chen chúc nhau gây huyên náo ồn ào, thị vệ và mấy Văn Lại Lễ Bộ canh giữ ở ngoài lâu, người nào muốn tham gia khoa thi thì xếp hàng chờ báo danh.

    Thị vệ ra hiệu Thành Bái đem gùi sách đặt trên bàn ngoài cửa, gã nhìn thoáng qua khe hở của chiếc gùi: “Bên trong hình như là một con vật?”

    Thành Bái cười khan nói: “Là mèo nhà học trò, nó đang bị bệnh, thuận tiện đem theo nó ra ngoài để tìm đại phu. Thỉnh đại nhân cách xa nó một chút để tránh nó lây bệnh sang người.”

    Thị vệ ha ha mà cười: “Bây giờ mèo cũng cần người hầu hạ, bị bệnh phải tìm đại phu khám.” Gã không chú ý cái gùi nữa, ra dấu bảo Thành Bái tiến vào phòng rồi ra lệnh người sau đứng chờ.

    Thành Bái vào đại sảnh lầu một, nhìn thấy trên cao có một loạt trường án, sau án là ba quan viên, hai người trái phải quan bào đỏ rực, đầu đội hiền quan, mũ có hai vạch, người ngồi thẳng ở giữa mặc quan bào tử sắc, mũ ba vạch, vừa hay là vị đại nhân lần trước nói chuyện với Thành Bái. Ông nhìn Thành Bái nói: “A, là vị thiếu niên hôm trước. Đã quyết định tới tham gia khoa thi rồi?”

    Vị tiểu lại bên cạnh nói cho Thành Bái biết, vị đại nhân này là người chủ trì khoa thi lần này, Lễ bộ Thượng thư Nghiêm đại nhân, hai bên trái phải là Lễ bộ Hứa thị lang và người phụ trách mở khoa thi Nho học năm nay là Lễ bộ viên ngoại lang Tông đại nhân.

    Thành Bái cung kính hành lễ.

    Nghiêm thượng thư khẽ cười nói: “Sơ thí tuyển chọn vốn là do Tông viên ngoại chủ trì, nhưng vì Nho khoa mới mở, hôm nay lại là ngày đầu tiên, hoàng thượng đặc biệt lệnh bản bộ đến khảo sát, không ngờ lại gặp được ngươi, xem ra ta và ngươi rất có duyên.” Tiểu lại đem văn điệp thân phận của Thành Bái dâng lên.

    “Nhân sĩ quận Bột Hải, người còn trẻ. Đến kinh thành thi Nho học là vì cảm tạ hoàng ân, trợ giúp triều đình lo việc thiên hạ, hay là vì bản thân muốn đạt được quang vinh hiển hách? Ta nhớ lần trước bản bộ và ngươi nói chuyện ngươi nói không muốn dự thi, sao hôm nay lại đến? Nho học, học vì trí dụng (*), ngươi đã là nho sinh thì sẽ kiến giải hoài bão này như thế nào?”

    (*) thực hiện sử dụng.

    Thành Bái hành lễ nói: “Hồi bẩm đại nhân, học trò cảm niệm (*) hoàng ân bao la đã ban thưởng cho các nho sinh và học trò trong khoa thi này. Học trò ngu dốt tự dự thi là vì cảm động đến rơi nước mắt. Học trò vốn là người vô dụng, thuở nhỏ được chuẩn mệnh chẳng lành chuyên gây họa cho gia đình, nhờ ân điển của tổ phụ tổ mẫu và ân sư dưỡng dục mới được nhập làm môn hạ thánh nhân học tập giáo hóa (**). Lúc dự thi đã từng do dự là bởi vì,…. trong lòng học trò không có hoài bão như đại nhân nói. Mặc dù học trò thuộc lòng ‘Việc chính đạo của Vũ Văn Vương đều nằm trong sử sách’ ‘Phàm là người đứng đầu thiên hạ đều biết đến cửu kinh (***)’, đầu chứa nhiều văn chương nhưng chỉ là đem câu chữ của thánh nhân ghi tạc trong lòng, kiến giải vẫn là thánh nhân kiến giải. Học trò kiến thức nông cạn, những điều trên không thể phát triển ra những giác ngộ khác. Cho nên, vừa rồi không muốn dự thi là bởi học trò cảm thấy mình không xứng được dự thi.”

    (*) cảm động và biết ơn.

    (**) giáo dục cảm hóa.

    (***) cửu kinh là 9 quy tắc đạo đức pháp luật không không thể đổi được .

    Nghiêm thượng thư vuốt vuốt chòm râu: “Nói cách khác, ngươi thấy mở khoa thi Nho học, nghĩ muốn dự thi nhưng không có kiến giải đối với quốc sự, sợ một ngày trúng cử vào triều, nhưng bản thân làm việc không tốt so với lúc thi cho nên có chút do dự, đúng không?”

    Thành Bái cúi đầu.

    Nghiêm thượng thư cười ha hả: “Tuổi ngươi vẫn còn trẻ. Nho sinh vào đây nhiều như vậy, nhưng đây là lần đầu bản bộ nghe được lời như thế.” Nhìn hai bên, “Hai người các ngươi nghĩ thế nào?”

    Hứa thị lang nói: “Bẩm đại nhân, hạ quan nghĩ lời của nho sinh này, mặc dù nghe thì cũng chỉ tới khoa thi vì công danh như bao nho sinh khác, nhưng thật chân thực.”

    Tông đại nhân tiếp lời: “Lúc ở tuổi này thì hạ quan vẫn còn lờ mờ chưa hiểu rõ. Nho sinh này đã thẳng thắn nói ra thì cũng là người trung thực, là đức của bậc quân tử hiền tài. Thành thật là từ kiến thức và đạo đức của bản thân. Có tri thức có giác ngộ, chắc chắn là người tài có thể dùng.”

    Thành Bái vội nói: “Đại nhân khen lầm, học trò vạn lần không dám nhận.”

    Nghiêm thượng thư vuốt râu cười nhìn Tông đại nhân nói: “Bản bộ chẳng qua chỉ phụng chỉ ở đây quan sát một chút, tra khảo thi cử vẫn là do ngươi quyết định.”

    Tông đại nhân liền lập tức hỏi vài câu trong mấy đoạn kinh sử, Thành Bái đều dễ dàng đáp lại, thấy hắn ứng đáp trôi chảy, có thể thấy được kinh sử đều thuộc nằm lòng. Lại hỏi thêm một vài câu liên quan đến văn phú, mặc dù câu trả lời không hoa mỹ sắc bén nhưng cũng rất mới mẻ độc đáo, hắn lại trả lời nhanh chóng, niêm luật chặt chẽ, có năng lực phân tích vấn đề, ông không khỏi âm thầm gật đầu, lại lén nhìn biểu tình của Nghiêm thượng thư, mặc dù không hiện ra sắc thái nào nhưng trong ánh mắt lại ẩn chứa ý vui mừng.

    Kì thực lúc Thành Bái vừa tiến vào, ba người Nghiêm, Hứa, Tông đối với hắn hết sức coi trọng. Triều đình vốn tôn sùng Hoàng Lão Đạo, viên quan học Nho có thể tiến thân vào triều rất ít người, các Nho sinh học Nho trải qua nhiều năm thất bại, người trẻ học Nho càng thêm ít hơn, từ sáng sớm đến bây giờ, đa số ba người chỉ thấy những ông già râu ria chùm chùm hoặc là người đã đi được nửa cuộc đời. Những người này tất nhiên có nhiều buồn bực và oán giận, nếu một ngày nào đó được đắc chí vào triều thì sau này không biết sẽ thế nào nữa. Ba người muốn vì các quan Nho mà ra sức chiêu mộ nhân tài nhiều hơn, người trẻ tuổi như Thành Bái chẳng hạn, thuở nhỏ học Nho, tâm tính thiếu niên đơn thuần, quả thực là viên ngọc thô được phát hiện ngoài ý muốn.

    Chỉ là Nghiêm đại nhân thân là thượng thư nên cũng chỉ có thể nói vài câu qua loa. Hứa đại nhân thân là thị lang cũng không thể biểu hiện thái độ rõ ràng. Việc khuyến khích khen ngợi đều do Tông đại nhân làm.

    Tông đại nhân lại để cho Thành Bái đề bút viết vài chữ, nhìn thấy chữ viết thanh linh tú dật, lúc này ông liền nói, nho sinh Thành Bái quận Bột Hải đã qua được sơ thí, rồi cho Thư Lại ghi vào danh sách.

    Thành Bái quả thực không dám tin vào tai mình, tiếp nhận mấy lời khen thì vẫn cứ như đang nằm mơ.

    Nghiêm đại nhân mỉm cười nói với hắn: “Không cần phải nhớ thương bút nghiên to nhỏ ưu khuyết ra sao nữa rồi. Nếu thi vòng tiếp theo ngươi có thể được cẩm ngọc bội.”

    Thư Lại kéo kéo Thành Bái đang ngây ngốc, lúc này Thành Bái mới sực tỉnh, lập tức cuống quít hành lễ tạ ân, hắn lảo đảo đi ra ngoài sảnh đường trong ánh mắt yêu mến của ba vị đại nhân.

    Trên lưng vác gùi sách, bên tai là thanh âm chúc mừng của mọi người, Thành Bái cảm thấy mọi thứ dường như đều không thực. Lần đầu tiên có nhiều ánh mắt chăm chú nhìn vào hắn như thế, mà phần nhiều là ngập tràn hâm mộ và tán thưởng, Thành Bái không biết nên làm sao cho phải. Hắn nhận lấy những lời chúc mừng, lưng đeo gùi sách, không ngẩng đầu mà vội chui ra khỏi đoàn người chạy ra đường Chu Tước, hắn vội vã rẽ vào hẻm nhỏ một mạch đi thẳng về nhà, vừa tới nơi đã thở hồng hộc.

    Hắn lấy chìa khóa từ trong túi áo ra, đang định mở cửa thì bà lão nhà bên đột nhiên xuất hiện.

    “Chàng trai trẻ, ngươi đã trở về rồi, ta đang muốn hỏi ngươi chuyện này. Con chó nhà ngươi làm sao leo cây được vậy?”

    Đầu Thành Bái choáng váng, bước chân cũng loạng choạng, hắn nghe nói thế thì sửng sốt.

    Bà lão chống gậy híp mắt nhìn hắn.

    “Chính là con chó mực nhà ngươi, mỗi ngày ngồi xổm trên chạc cây đầu tường rình gà của nhà ta. Bốn năm con đều sợ đến mức không đẻ nổi trứng. Rốt cuộc nó là giống chó gì thế?”

    Thành Bái há hốc miệng, cái gùi sau lưng hắn lại rất bình tĩnh.

    Thuộc truyện: A Khinh