Dị giới chi nông gia kí sự – Chương 25

    Thuộc truyện: Dị giới chi nông gia kí sự

    Phương Tằng đắc ý nói: “May mà cữu ra tay nhanh, lập tức mượn bạc của chưởng quầy Trần đến nha môn làm công văn, sau có vài người muốn mua còn ra giá bảy tám lượng một mẫu. Cữu hỏi người môi giới, bình thường ruộng tốt như vậy phải bảy lượng một mẫu, ca nhi nhà người bán giờ có bầu, gả cũng tốt, hai cụ vội vàng đi nên mới bán giá đó, làm cho cữu cữu ta được lời.”

    Phương Trí Viễn nói với Phương Tằng: “Là cữu cữu người hiền gặp lành, như vậy sang năm chúng ta có thể trồng một quý lúa, không cần phải mua gạo nữa, có thể tiết kiệm rất nhiều tiền.”

    Phương Tằng thấy Phương Trí Viễn còn nhỏ tuổi đã biết suy nghĩ, vừa lòng nói: “Tốt thì tốt thật, nhưng chỉ có hai người chúng ta, cữu chỉ sợ không kịp trồng sáu mẫu ruộng, không biết có cần cho thuê đi một ít không, mầm móng thì chúng ta ra nhưng không cần tự làm, chia năm năm cũng đủ chúng ta ăn.”

    Phương Trí Viễn biết cữu cữu sợ hắn mệt, nếu theo ý cữu cữu hắn thì nhất định muốn tự trồng, sáu mẫu ruộng chia đi một nửa, trừ những nhà không có sức lao động thì nhà bình thường nào cũng không nỡ. Nếu cữu cữu muốn tự trồng thì việc trong nhà và cả việc ngoài đồng hắn đều phải giúp đỡ.

    Phương Trí Viễn tự nhận không phải trẻ con mười tuổi chân chính, tất nhiên hắn biết tầm quan trọng của lương thực đối với nông dân. Tuy nhà hắn bây giờ không lo ăn mặc, nhưng cữu cữu hắn còn chưa đón dâu, sau này hắn cũng phải đỉnh môn lập hộ, không ngại có nhiều tiền. Vì thế, hắn nói: “Cữu cữu, chúng ta tự trồng đi. Một mẫu ruộng vốn cũng không được nhiều thóc, chia một nửa lại còn nộp thuế thì cũng không còn mấy. Nếu chính mình trồng thì có thể còn nhiều hơn, dù bán hay là tự ăn thì cũng tiết kiệm tiền.”

    Phương Tằng cười nói: “Hổ tử, con nói cũng có lý, nhưng trong nhà chỉ có hai người chúng ta, sáu mẫu hơi nhiều, nếu đang vụ mùa mà ông trời không nể tình, không thu kịp thì lỗ lớn. Hơn nữa, bảo cữu cữu săn nai bắt thỏ thì không sao, nhưng nếu bảo đi trồng trọt thì không bằng mấy lão nông được. Với lại từ thôn ta đánh xe sang Lưu gia thôn cũng mất hơn nửa canh giờ, chuyển lương thực cũng không tiện, mượn chỗ phơi nhà người khác cũng khó.”

    Nghe lo lắng của Phương Tằng, Phương Trí Viễn nghĩ nghĩ, nói: “Cữu cữu, cữu xem thế này được không. Chúng ta cứ trồng trước, đến vụ mùa thì mượn những người nhàn rỗi làm giúp. Lưu gia thôn hay thôn ta cũng không ít người không có ruộng, ra giá thu một mẫu ruộng bao nhiêu tiền là được. Còn việc chuyển lúa, đầu tiên là mướn sân phơi ở Lưu gia thôn, nếu không được thì con với cữu cữu cùng đi chuyển về, con nghĩ nhiều nhất một ngày là xong. Như vậy tính ra cũng không tốn mấy tiền, nếu đã mua ruộng, sau này trồng còn nhiều, cữu cữu cũng coi như là luyện tập trước, quen tay hay việc, dần dần sẽ giỏi thôi.”

    Phương Tằng thật đúng là không ngờ còn có thể làm như vậy, nhưng năm trước vụ mùa mọi người đều là mấy nhà kết phường làm, hoặc là họ hàng, bạn bè nhà mình đến giúp đỡ nên anh cũng không nghĩ ra việc mượn người làm giúp. Trong thôn đất ít người nhiều, có nhiều nhà cũng chẳng có mấy ruộng, quanh năm suốt tháng cũng chẳng kiếm được mấy đồng, nếu anh muốn thuê người thì cũng không phải không có khả năng. Hơn nữa, nếu người trong thôn tự ái cao, anh còn có thể mượn người ở Lưu gia thôn, tính tiền theo mẫu, cũng không sợ bọn họ cố ý kéo dài công việc.

    Trong lòng Phương Tằng vốn không nỡ cho thuê ruộng, giờ nghe Phương Trí Viễn an bài gọn gàng như vậy, anh thấy cũng rất tốt, bèn nói: “Như vậy thì sang năm chúng ta sẽ vất vả đấy. Đến lúc đó, cữu đến nhà Lâm Tín mua mạ, sáu mẫu đất cùng lắm mười ngày là cấy xong.”

    Phương Trí Viễn tiếp lời: “Vậy con có thể học với cữu, sau này con cũng cần ra đồng, nhân dịp này luyện tập luôn.”

    Phương Tằng vốn định ngăn cản nhưng không nói ra lời. Ở nông thôn, trẻ con lớn như Phương Trí Viễn cũng coi như là một lao động bé, thường sẽ được cha dắt xuống ruộng dạy dỗ. Nghĩ đến sau này Phương Trí Viễn cũng phải ra đồng, vậy học trước cùng anh cũng tốt, hơn nữa anh cũng sẽ chú ý không để Phương Trí Viễn mệt.

    Vậy nên anh đáp: “Được, đến lúc đó chúng ta cùng đi. Hổ tử, cữu cữu vốn muốn đợi từ từ, mua khoảng tám mẫu ruộng, giờ gặp may mua được sáu mẫu. Con còn nhỏ, chưa lập hộ cho nên không ghi tên con được. Cữu cữu nghĩ như thế này, cậu cháu chúng ta cũng không phải người ngoài, vậy một người ba mẫu, sau này nếu mua thêm cũng mỗi người một nửa, con không được chối. Đúng ra thì cữu đã cực có lời rồi, con còn không đồng ý, trong lòng cữu cũng không thoải mái.”

    Lời từ chối của Phương Trí Viễn nghẹn trong họng. Hắn biết Phương Tằng đối với hắn rất tốt, muốn chia sản nghiệp cho hắn, chờ sau này hắn thành gia lập nghiệp có gia sản của riêng mình, không thì không an tâm, mà trong nhà kiếm tiền thường là do hắn ra chủ ý, Phương Tằng ra sức lực, Phương Tằng càng cảm thấy tiền này hẳn là phần lớn thuộc về Phương Trí Viễn, giờ chia như vậy là để tránh sau này vì tiền bạc mà xảy ra chuyện không vui.

    Phương Trí Viễn nghĩ sau này hắn còn có biện pháp kiếm tiền, giờ nói rõ cũng tốt, cữu cữu an tâm mà hắn có gia sản của riêng mình thì cũng cảm thấy kiên định hơn. Dù sao, kiếp trước nhìn nhiều việc vì tiền bạc mà người thân, bạn bè trở mặt, trong lòng hắn vẫn có bất an. Không bằng ngay từ đầu liền tránh cho tình huống như vậy xảy ra, được rồi, hắn thừa nhận hắn vừa thực dụng vừa ích kỉ, vĩnh viễn không so được với sự quang minh lỗi lạc của Phương Tằng.

    Phương Tằng cũng chỉ là thông báo cho Phương Trí Viễn biết một tiếng, trong lòng đã quyết định từ lâu. Có ruộng, Phương Tằng cảm thấy lưng mình càng thẳng, anh và cháu ngoại mỗi người có ba mẫu đất, ở Lâm gia thôn cũng coi như là nhà bình thường. Nhớ đến a ma anh vì hai khối núi mà người cả đời không muốn thiếu nhân tình của ai như ông phải chấp nhận lời ra tiếng vào của cả thôn, cũng chỉ là muốn cho anh có ít ruộng đất, sau này dễ lấy phu lang.

    Nghĩ như vậy, Phương Tằng cảm thấy hơi khó chịu, a ma anh rõ ràng là một người tốt, nhưng chỉ vì cha anh mất sớm, để nuôi nấng anh và ca anh, a ma một người đỉnh môn lập hộ tất nhiên cần phải mạnh mẽ, vậy nhưng lại bị nói thành ma ma ác độc.

    Nếu a ma anh còn sống, biết trong nhà có nhiều ruộng như vậy thì không biết sẽ vui vẻ đến mức độ nào nữa.

    Đại Tráng, Tiểu Tráng tỉnh ngủ. Đại Tráng tự mặc quần áo, còn giúp Tiểu Tráng mặc. Hai đứa đều mặc áo khoác bông, ấm thì ấm thật, chỉ là hơi lòa xòa. Một lớn một nhỏ nắm tay nhau đi ra, nhìn tròn xoe, đặc biệt là Tiểu Tráng bị cổ áo bông che mất cằm, nhìn như trẻ con mặc trộm quần áo người lớn, nhìn đã biết là a ma nó vì để cho nó có thể mặc lâu vài năm, cố ý làm rộng.

    Phương Tằng đã mấy ngày không gặp Đại Tráng, giờ nhìn thấy hai bảo bối từ trong phòng cháu ngoại mình đi ra liền biết là hai đứa vừa tỉnh ngủ. Nhìn Tiểu Tráng đi không tiện, Phương Tằng một tay ôm lấy Tiểu Tráng, bế nó vào bếp. Đại Tráng đi sau Phương Tằng, còn rất ra dáng ca ca mà cầm tay Tiểu Tráng.

    Còn hai ngày nữa là đến tết, Phương Tằng định ngày mai đi xem ruộng mới mua nên hôm nay muốn làm mấy món ăn tết. Nhà bọn anh không làm bánh mật và mứt trái cây, làm bánh mật khá phiền phức, Phương Tằng đưa năm cân gạo nếp nhờ Lâm Chính gia làm hộ, giờ ăn cá viên Phương Trí Viễn làm, Phương Tằng mới nhớ ra nhà anh cũng chưa làm đậu phụ viên và thịt viên, nên nghĩ cùng làm với mứt luôn.

    Thịt nhà Lâm Tín giết lợn cho còn đang đóng băng ở bên ngoài, Phương Tằng lấy ngâm rã đông, lại lấy đậu phụ làm khô*. Phương Trí Viễn dẫn Đại Tráng, Tiểu Tráng đứng cạnh giúp đỡ. Phương Tằng tay khỏe, băm thịt nhanh, chốc lát đã băm xong một chậu thịt, bỏ thêm gia vị và trứng, quấy đều để sang một bên.

    Đậu phụ bóp nát, cho thêm ít thịt bằm, cho gia vị trộn đều, Phương Tằng còn băm cả củ cải, cho trứng gà vào trộn một bồn nhỏ, sau đó bảo Phương Trí Viễn đốt bếp, đổ non nửa nồi dầu hạt cải, đợi dầu sôi liền bắt đầu chiên thịt viên*. Những năm trước Phương Tằng làm nhiều nên cũng quen, một canh giờ đã xong xuôi.

    Đại Tráng, Tiểu Tráng dùng danh nghĩa giúp đỡ, ngồi trong phòng bếp chờ ăn. Phương Tằng chiên xong một mẻ, hai đứa lại muốn ăn thử một ít, đến lúc Phương Tằng xong việc, bụng Đại Tráng, Tiểu Tráng căng phồng, sợ tới mức Phương Trí Viễn vừa nhìn đã vội vàng xoa bụng cho chúng.

    Bữa tối bốn người ăn thịt viên và canh bồ câu hầm mà Lâm Tín gia cho. Ăn xong, Phương Tằng đưa Đại Tráng, Tiểu Tráng về nhà, Phương Trí Viễn thì thu dọn bát đũa.

    Hôm sau, sáng sớm Phương Tằng đã đánh xe lên trấn trên trả bạc cho chưởng quầy Trần, sau khi về tới nhà, Phương Tằng dẫn Phương Trí Viễn đến Lưu gia thôn xem ruộng mới mua của hai người. Trên xe la Phương Trí Viễn mới biết được sáu mẫu ruộng này là của Lưu Bình ở Lưu gia thôn. Trước đây Lưu Bình vì nhà nghèo mà đành ra ngoài làm ăn, sau này về quê thành gia lập nghiệp, ở Lưu gia thôn cũng coi như nhà giàu có.

    Chỉ tiếc rằng ông chỉ có một ca nhi, hai ông muốn giữ ca nhi ở nhà, tìm trẻ mồ côi nuôi từ nhỏ trong nhà để làm con rể. Vậy nhưng cô nhi tên Triệu Võ kia cũng giỏi giang, cưới ca nhi nhà ông xong còn mở cửa hàng ở nơi khác, lúc đi vốn muốn đón hai ông đi cùng để phụng dưỡng nhưng hai người không muốn đi. Giờ ca nhi nhà ông nhiều năm cuối cùng cũng có bầu, hai ông vội vàng đi chăm ca nhi và cháu trai chưa ra đời vậy nên mới muốn nhanh chóng bán ruộng.

    Lưu Bình vốn muốn bán cho người trong thôn, nhưng người có thể một lúc mua sáu mẫu đất quá ít, tách ra bán thì hai ông lại không kịp đợi, hơn nữa trong thôn cũng có người nghĩ xấu, muốn dùng giá cực thấp mua ruộng, Lưu Bình liền dứt khoát tìm người thôn khác lấy tiền rời đi, không cùng người ta cãi cọ.

    Ruộng của Lưu gia là ruộng nước tốt, Phương Tằng và Phương Trí Viễn đến nhà Lưu Bình, nhìn mới biết đúng là như Lưu Bình nói, sáu mẫu liền nhau, còn ngay cạnh đường lớn, sau này chuyển lương thực cũng cực thuận tiện. Phương Tằng càng nhìn càng vừa lòng.

    Trong ruộng nhà Lưu Bình còn đang trồng lúa mạch và cải dầu, những thứ đó đáng ra thuộc về Phương Tằng, nhưng Lưu Bình đã nói với Phương Tằng để lại cho mấy nhà quen biết trong thôn, coi như là trả tình nghĩa quê nhà. Tất nhiên như vậy thì giá sẽ rẻ hơn một ít, Phương Tằng nghĩ những cây này sang năm thu hoạch cũng không làm chậm thời gian trồng lúa nên đồng ý.

    Phương Tằng nhìn hoa màu trên ruộng mọc rất tốt, biết ruộng này màu mỡ, trong lòng vui vẻ. Lúc anh đến cũng định đến nhà sư huynh anh chơi, tiện thể ăn một bữa cơm, vì thế còn mang theo bánh hồng, thịt lợn, đường trắng và điểm tâm, giống như đến nhà người thân.

    Nhà Lưu Gia cũng ở chân núi, ba căn nhà ngói lớn, một cái sân to, ở Lưu gia thôn cũng có thể coi là nhà giàu có. Phương Tằng đến thăm khiến Lưu Gia rất vui vẻ, phu lang Lưu Gia thấy nhiều lễ vật như vậy, cười càng thoải mái. Lễ nhiều người không trách, ở đâu cũng thế, phu lang Lưu gia chỉ cảm thấy Phương Tằng hào phóng, coi trọng đương gia nhà ông, cũng rất nhiệt tình với Phương Trí Viễn, lấy hạt dưa, điểm tâm chuẩn bị Tết ra, còn pha cả nước đường cho Phương Trí Viễn uống.

    Lưu Gia gặp Phương Tằng cũng là kể không hết chuyện, năm đó Lưu Gia nhà nghèo, anh em lại nhiều, quanh năm suốt tháng cũng không được bữa no, lúc ông hơn mười tuổi, đói quá nên chạy vào trong núi tìm thức ăn, gặp phải lợn rừng, may mắn đúng lúc cha Phương Tằng đi qua, không chỉ cứu mạng ông, còn dạy ông săn thú.

    Chỉ riêng việc này Lưu Gia đã thấy mình phải nhớ kỹ cả đời.

    Cho nên về sau cha Phương Tằng đi sớm, nhưng lễ Tết hàng năm, bốn lễ Lưu Gia đều chuẩn bị đủ, đến lúc Phương Tằng lớn lên, Lưu Gia tận tình dạy anh đi săn. Phương Tằng luôn cảm kích ông, giống như nửa sư phụ, nửa sư huynh, thân cận không đủ, cung kính có thừa.

    Nói chuyện phiếm với Lưu Gia, Phương Tằng cũng kể cả việc mình mới mua ruộng, dù sao Lưu Gia là sư huynh anh, cũng là người ở Lưu gia thôn, có ông để ý cũng rất tốt, đây cũng là việc anh nghĩ tới đầu tiên khi mua ruộng ở Lưu gia thôn.

    Lưu Gia nghe Phương Tằng mua được ruộng, cực kì vui vẻ, liên tục nói được, cũng cam đoan với Phương Tằng nhất định sẽ chú ý chăm sóc giùm anh, còn nói lúc nào Phương Tằng trồng lúa ông sẽ giúp đỡ, hai sư huynh đệ càng nói càng thoải mái.

    Trái lại, phu lang Lưu gia nghe được lại líu lưỡi không thôi, trong thôn đều thì thầm xem ai sẽ mua ruộng nhà Lưu Bình, đều chờ mong bàn tán, sáu mẫu đất ít nhất cũng phải ba bốn mươi lượng bạc, trong Lưu gia thôn cũng hiếm có ai có thể trả.

    Không ngờ Phương Tằng vốn bình bình thường thường lại mua được, vừa nghĩ như thế, phu lang Lưu Gia cũng phải bội phục bản lĩnh kiếm tiền của Phương Tằng, ông biết hoàn cảnh nhà Phương Tằng, cha mất sớm, a ma nuôi hai đứa con lớn khôn đã không dễ, của cải chắc chắn là không có. Phương Tằng còn dẫn cháu ngoại về nuôi, ông vốn lo lắng Phương Tằng sẽ khó khăn, dù sao nuôi một đứa trẻ con cũng không dễ dàng, đương gia nhà ông cũng lo lắng việc cưới ca nhi của Phương Tằng. Bây giờ xem ra bản lĩnh kiếm tiền của Phương Tằng ở nông thôn chỉ sợ không ai bằng. Dễ dàng nuôi thêm cháu ngoại, lại nhìn cách chi tiêu hào phóng của anh, trong nhà chắc chắn là có tiền. Chỉ bằng năng lực này, chỉ sợ hán tử nhà mình cũng không bằng, nếu không phải nhà ông có bối phận sư huynh đệ với anh, ông cũng rất muốn gả Thu Nhi nhà mình cho Phương Tằng.

    Có phòng, có xe la, trên không có cha ma chồng, chỉ có một cháu ngoại sau này cũng tự lập môn hộ, như vậy xem ra, chỉ sợ hai năm sau, Phương Tằng vừa hết hiếu, chắc chắc sẽ thành con rể tốt trong mắt a ma mười dặm tám hương.

    Nghĩ như thế, phu lang Lưu gia nhanh chóng suy nghĩ xem thân thích nhà mình có ai xứng với Phương Tằng. Nước phù sa không chảy ruộng người ngoài, việc tốt như vậy tất nhiên là phải giành trước cho nhà mình.

    Thuộc truyện: Dị giới chi nông gia kí sự