Home Đam Mỹ Sử Thượng Đệ Nhất Phật Tu – Quyển 1 – Chương 12

    Sử Thượng Đệ Nhất Phật Tu – Quyển 1 – Chương 12

    Thuộc truyện: Sử Thượng Đệ Nhất Phật Tu

    Trong Đạo Xuân trung thế giới, nhắc đến tông môn Phật tu, ai cũng nghĩ ngay tới Hoa Nghiêm tông[1].

    Có rất nhiều tông môn Phật tu, tại đại thế giới cơ bản chia thành: Chỉ Luật tông, Minh Thiền tông, Pháp Tướng tông, Tam Luận tông và Tịnh Thổ tông (Các tông phái trên đều có thật). Ví dụ như Nhân Chân tự là một trong những chi nhánh của Minh Thiền tông tại hạ giới, tuy nhiên vì nhiều năm qua chẳng có Phật tu nào ra hồn, lại đánh mất《Quan Âm đồ lục quyển thứ nhất》, nên đã bị Minh Thiền tông xóa tên. Chẳng còn chỗ dựa vững chắc nên nó mới bị các tông môn khác xâu xé gần như chẳng còn mảnh nào.

    Còn Hoa Nghiêm tông là một trong những chi nhánh của Chỉ Luật tông, cứ cách hai đời lại có một Phật tu kết được Thứ Pháp ấn, vậy nên rất được coi trọng, hiện tại là tông môn Phật tu được truyền thừa nhiều nhất và cũng hoàn chỉnh nhất tại Đạo Xuân trung thế giới. Vô số đệ tử tin Phật đều hi vọng có thể tu hành tại Hoa Nghiêm tông, song Hoa Nghiêm tông tuyển chọn đồ đệ khắc nghiệt hơn nhiều lần so với các tông môn khác, vậy nên số lượng đệ tử cũng không nhiều. Đến thế hệ này, chỉ có mười mấy Phật tu trẻ tuổi, mà trong hơn mười người này ngoài Thánh Tâm phật quân Tam Tư đại sư xếp thứ bảy trên Thiên Đan bảng ra, những người khác đều xếp hạng trên một trăm, nhìn có vẻ yếu kém, nhưng đều có tên trên bảng!

    Hiển nhiên, Hoa Nghiêm tông thừa hưởng nền giáo dục tinh anh, tuệ căn của Phật môn có thể nói là hư vô mờ mịt, trong một trăm người chưa chắc đã có được một người thích hợp với con đường tu Phật, nên an bài như thế cũng hợp lý.

    Tam Tư đại sư kết Đan đã mười năm, vẫn luôn nằm trong mười hạng đầu trên Thiên Đan bảng, lại bởi có tấm lòng thiện lương nên mới có danh hiệu “Thánh Tâm phật quân”.

    Thôi được, thực tế thì, hầu hết Phật tu có tên trên bảng đều có mỹ danh không tồi, nói chung cũng bởi Phật tu rất ít khi sát sinh. Cái danh hiệu “Bán Phật” nửa mùa như của Tạ Chinh Hồng ngược lại như thể đang làm mất mặt Phật tu vậy. Các tu sĩ thấy tên gọi này đều không cho rằng Tạ Chinh Hồng là Phật tu có xuất thân đứng đắn, Hoa Nghiêm tông đương nhiên cũng không ngoại lệ.

    Do đó, tuy Tạ Chinh Hồng đã vọt lên hạng mười lăm trên Thiên Đan bảng, cũng chẳng có Phật tu nào muốn đến luận Phật với hắn.

    Tông môn Phật tu đứng đắn luôn xem Dã Hồ thiền như bọn giang hồ lừa đảo, lúc nào cũng khinh thường.

    Xá Thân tự vốn chỉ là một ngôi chùa bình thường chẳng có gì lạ, giờ đây lại xuất hiện cả đám người đông đúc, tuy không đến nỗi xô lấn chen chúc nhưng cũng rộn ràng nhộn nhịp, có thể thấy vị Tam Tư đại sư này cực kỳ nổi tiếng. Đại đa số tu sĩ tuy ai cũng có thể đọc làu làu mười cái tên đứng đầu Thiên Đan bảng, nhưng người có thể gặp được họ đã ít lại càng ít hơn. Trong số những tu sĩ đến Xá Thân tự có hơn một nửa là thật lòng muốn đến nghe giảng Phật pháp, còn lại hầu như đều là vì muốn gặp Tam Tư một lần, cũng có ít kẻ ham lợi nhỏ muốn có chuỗi phật châu bằng gỗ Phật tâm do chính tay Tam Tư chia tặng, chung quy cũng bởi pháp khí Phật môn đã quý lại còn hiếm, một viên phật châu tuy chẳng đáng là gì, nhưng đối với tu sĩ kỳ Trúc Cơ hoặc Luyện Khí vẫn có chút hiệu quả.

    Tạ Chinh Hồng cũng đang đứng giữa những người này, bị xô đẩy chen lấn vào trong chùa.

    Trải nghiệm thế này quả là mới mẻ, nhưng cũng rất thú vị.

    Trong một ngôi chùa bé tẹo, tụ tập đủ loại tu sĩ với các tính toán mục đích riêng, Tạ Chinh Hồng ngồi trong số đó dường như có thể cảm nhận rõ ràng ý niệm của mấy tu sĩ. Hồng trần cuồn cuộn, kéo đến không ngừng.

    Xá Thân tự tuy nhỏ, nhưng lại vô cùng khác biệt.

    Nhiều tu sĩ thấy trong chùa không còn chỗ ngồi, đành phải dùng cách khác, có người đạp trên phi kiếm quần áo bay phấp phới, người thì ngồi trên đài sen giả bộ như mình cũng là Phật tu, cũng có kẻ ngồi xổm trên bàn cờ nhìn ngang liếc dọc, các loại pháp khí phi hành không ai nghĩ tới cũng có. Thậm chí có người còn đạp lên một viên xúc xắc, khiến người ta dở khóc dở cười.

    Tạ Chinh Hồng lúc này mới sực nhớ pháp khí của mình hầu hết đều là loại công kích, còn đâu đều là pháp khí Phật môn, đem ra rất bắt mắt. Đành phải ngồi xuống bên cạnh một tu sĩ trẻ tuổi kỳ Luyện Khí.

    “Ồ, ngươi cũng không mua nổi pháp khí phi hành hả?” Tu sĩ trẻ nọ quay đầu nhìn Tạ Chinh Hồng hỏi.

    Tạ Chinh Hồng chần chừ một lát rồi gật đầu.

    “Không sao, chỉ cần chúng ta cố gắng tu hành, một ngày nào đó sẽ mua được.” Nam tử tự an ủi bản thân, “Biết đâu đợi lát nữa Tam Tư đại sư sẽ tặng chúng ta một chuỗi phật châu bằng gỗ Phật tâm, vậy là ta tiết kiệm đủ tiền mua Luyện Khí đan rồi.” Hạt gỗ Phật tâm có tác dụng ngưng thần, mang lại nhiều hiệu quả cho tu sĩ kỳ Luyện Khí và Trúc Cơ, những tu sĩ đến đây vì chuỗi hạt gỗ Phật tâm cũng chiếm phần đông. Phần lớn các Kim Đan chân quân đều có thân phận lớn, Thánh Tâm phật quân chuẩn bị buổi Phật hội này cơ bản là dành cho các tu sĩ có cấp độ thấp hơn, nên cũng chẳng mấy ai đến làm gì. Tuy vậy, vẫn có vài tu sĩ kỳ Kim Đan muốn biết thực lực bản thân chênh lệch bao nhiêu so với Kim Đan chân quân thuộc mười hạng đầu trên Thiên Đan bảng, nhưng họ đều ở khá xa, chỉ dùng thần thức để xem xét phía này thôi.

    Người thực lòng muốn đến nghe Tam Tư giảng Phật pháp như Tạ Chinh Hồng ngược lại bị coi là kẻ ngoại tộc.

    Bỗng, Tạ Chinh Hồng đưa mắt nhìn về phía bên trái.

    “Chư vị đã đến Xá Thân tự thì là có duyên, Phật độ người có duyên, pháp danh của tại hạ là Tam Tư, xin chào chư vị.”

    Một giọng nói nhu hòa mượt mà vang lên, y xuất hiện giữa sân tựa như một làn gió, hầu hết mọi người đều không nhận ra.

    Một bộ tăng bào màu xanh nhạt, một chuỗi phật châu giản dị, đó là toàn bộ trang phục của Tam Tư.

    Y nhìn qua rất trẻ tuổi, da thịt mịn màng như ngọc, dung mạo vừa tú lệ lại vừa ôn nhu, đôi mắt vừa đen vừa sáng, thâm thúy vô cùng, nhưng nếu nhìn kỹ, lại thấy giống như hắc trân châu rạng rỡ lấp lánh, rung động lòng người. Thân hình y tựa như một pho tượng, không dính chút tục khí hồng trần, chẳng hề thua kém dung nhan xuất sắc.

    Thì ra đây chính là Thánh Tâm phật quân, quả nhiên là danh bất hư truyền!

    Suy nghĩ này đều lóe lên trong lòng mọi người, những cảm xúc nóng nảy ban đầu phút chốc đã bình tĩnh hơn nhiều.

    Vậy ra y tu Khai khẩu thiền sao?

    Tạ Chinh Hồng chợt nghĩ như thế.

    Phật môn có cách tu hành Bế khẩu thiền, vài Phật tu cho rằng hết thảy chúng sinh nằm trong vòng sinh tử luân hồi, nếu có thể tiêu trừ Tam nghiệp[2] gồm Thân, Khẩu, Ý thì có thể giải thoát, trở nên tự tại. Nguyên lý của Bế khẩu thiền là giảm bớt Khẩu nghiệp. Về sau phát triển hơn, Phật tu nghiên cứu ra một bộ công pháp, lấy tên《Bàn Nhược Khẩu Nghiệp Tâm Kinh》, cho dù mở miệng nói chuyện cũng đạt tới hiệu quả khiến người nghe ngộ được nhiều điều. Người trong Tu Chân giới gọi đùa là “Khai khẩu thiền”, dần dần, tên gốc của nó chỉ còn lưu truyền bên trong tông môn Phật tu, ngược lại tên gọi Khai khẩu thiền lại nổi tiếng rộng rãi.

    Khai khẩu thiền tuy rằng nổi tiếng, nhưng không phải ai cũng luyện được.

    Hơn nữa, luyện Khai khẩu thiền chỉ mang lại hiệu quả vô cùng nhỏ cho bản thân, luyện nó chủ yếu là vì người khác, khi các Phật tu tụng kinh hoặc hoằng dương Phật pháp[3], dùng Khai khẩu thiền khi nói chuyện sẽ khiến người nghe hiểu rõ khắc sâu hơn Phật lý, lĩnh hội sự huyền diệu của đại đạo, hoàn toàn là phục vụ vì người khác. Thế nên, những Phật tu nguyện ý tu hành Khai khẩu thiền hầu hết đều phải có nghị lực to lớn, tu vi cũng không hề thấp, trình độ như Tam Tư không thể nào mới bắt đầu tu từ kỳ Kim Đan, có lẽ phải luyện từ khi mới ở kỳ Luyện Khí.

    Mà tu sĩ kỳ Luyện Khí còn chẳng đủ năng lực để tự vệ, làm sao còn nghĩ đến việc phục vụ người khác, người như vậy nếu không được phong làm “Thánh Tâm phật quân” thì chẳng còn ai xứng đáng với cái tên đó.

    “Hôm nay bần tăng muốn giảng về hai chữ ‘Duyên khởi’ “, Tam Tư nhẹ nhàng phất tay, dưới đất liền hiện ra một cái bồ đoàn cũ kỹ.

    Y ngồi xuống đó như thể đang ngồi trên Liên hoa đài, tràn ngập khí thế không thể thốt nên lời.

    “Duyên khởi, tức các Pháp do nhân duyên mà có. Phật dạy rằng, nhược thử hữu tắc bỉ hữu, nhược thử sinh tắc bỉ sinh; nhược thử vô tắc bỉ vô, nhược thử diệt tắc bỉ diệt. Vạn vật trên thế gian đều cùng tồn tại hoặc không cùng tồn tại. Giống như việc gieo một hạt giống xuống đất, nguyên lý sinh trưởng của nó là, héo rũ rồi lại đâm trồi, đâm trồi rồi lại héo rũ….” (Mấy câu Phật pháp trên mình đều đã chú giải trong chương 1, ai quên tìm đọc lại nha)

    Thuyết giáo về nhân quả của Phật môn và Đạo giáo đều giống nhau, cho nên Tam Tư lựa chọn điều này để giảng giải Phật pháp, các tu sĩ theo Đạo giáo cũng có thể dễ dàng tiếp thu. Đây là một màn dạo đầu tốt không thể nghi ngờ.

    Tam Tư giảng rõ ràng, lại rất dễ hiểu.

    Tạ Chinh Hồng nghe vô cùng nhập tâm.

    Nói về vấn đề càng dễ hiểu thì lại càng phức tạp, tuy Tạ Chinh Hồng đều hiểu những điều này, nhưng hắn chưa bao giờ nghe người khác nói, những kinh giáo Phật pháp hắn đọc được đều luôn tự tìm hiểu. Mà Tam Tư là Phật tu có xuất thân chính thống, những gì y nói có thể giúp Tạ Chinh Hồng so sánh với lý giải của bản thân, đây mới là nguyên nhân chính mà hắn đến nơi này.

    Tận đến khi nghe xong, Tạ Chinh Hồng còn thấy chưa thỏa mãn.

    “Hôm nay xin dừng ở đây, chư vị vất vả rồi.” Tam Tư chắp tay thành hình chữ thập, vẫn duy trì dáng vẻ trang nghiêm.

    Giọng nói của Tam Tư đánh thức không ít người đang ngủ ngon lành, đối với những tu sĩ cấp thấp, uy lực của Khai khẩu thiền của Tam Tư rất dễ khiến họ tĩnh tâm, có nghĩa là rất dễ khiến họ nghỉ ngơi hoặc ngủ mất luôn. Buổi giảng Phật pháp này kéo dài từ sáng sớm tới tận đêm khuya, lúc này trên trời đã đầy sao, khi đi đường chưa được nghỉ ngơi, số tu sĩ ngồi nghe đến cuối chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

    Nói chung thì hầu như những người hôm nay đến dự Phật hội đều không phải Phật tu, hơn nữa tu vi cũng thấp, khó có thể hiểu rõ thâm ý sau những lời giảng của Tam Tư. Mà những tu sĩ kỳ Kim Đan đều hiểu rõ những điều này, nên cũng chẳng có bao nhiêu hiệu quả với họ. Thần thức của các tu sĩ kỳ Kim Đan liên tiếp rút ra khỏi Phật hội, chẳng lưu lại chút động tĩnh nào.

    Những tu sĩ còn ở lại hầu hết đều vì muốn nhận được hạt gỗ Phật tâm.

    “Chút lòng thành nhỏ, bần tăng mong các chư vị luôn được mạnh khỏe.” Tam Tư vừa nói “A Di Đà Phật”, hơn trăm chuỗi phật châu liền bay ra từ phía sau, bên trên khắc chữ  “Vạn” (卍) sáng lấp lánh, đồng loạt rơi vào lòng không ít tu sĩ. Thanh niên bên cạnh Tạ Chinh Hồng cũng nhận được một chuỗi, tuy nhiên vẫn có nhiều người vô duyên với phật châu.

    Nếu để ý xem kỹ, sẽ nhận ra những người nhận được phật châu đều nghe một ít Phật pháp.

    “Haiz, huynh đệ ngươi đừng tức giận, về sau vẫn còn cơ hội mà, ta đi trước đây.” Thanh niên kia cười an ủi Tạ Chinh Hồng vài câu, sau đó cùng bằng hữu đi về. Còn vài người không nhận được phật châu nên sắc mặt hơi xanh xao, thế nhưng cũng không thể chống lại tu sĩ kỳ Kim Đan chỉ vì một chuỗi phật châu được, vậy nên đành hậm hực ra về.

    Không bao lâu sau, nơi này chỉ còn mỗi mình Tạ Chinh Hồng.

    “Vị đạo hữu này, không biết có điều gì muốn chỉ giáo Tam Tư chăng?” Tam Tư cung kính chắp tay hướng về phía Tạ Chinh Hồng hỏi.

    Y đã nhận ra Tạ Chinh Hồng là đệ tử Phật tu, thậm chí còn đoán được phần nào thân phận của Tạ Chinh Hồng.

    “Pháp do nhân duyên mà có, duyên hết thì pháp mới hết. Sư phụ của ta là một Đại sa môn[4], thường nói thế.”

    ✿Tác giả có lời muốn nói:

    Lời Tạ Chinh Hồng nói được trích từ “Duyên khởi yết” – một thuyết rất nổi tiếng của ngũ sư trong Phật môn ban sơ. Nói cách khác, chính là thuyết pháp chính thống nhất của Phật môn về “Duyên khởi”. Cũng chính là đáp án tiêu chuẩn, không biết giải nghĩa thế nào thì cứ nói theo cách này.

    ******

    ★Chú thích:

    [1]Hoa Nghiêm tông (華嚴宗): là một tông phái có thật ngoài đời, còn có tên khác là Hiền Thủ tông. Hoa Nghiêm tông là một tông phái quan trọng của Phật giáo Trung Quốc, lấy Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh làm giáo lý căn bản.

    [2]Tam nghiệp: Tam nghiệp là hành động tạo tác của Thân, Miệng, Ý của chúng sinh.

    Thân nghiệp là hành động tạo tác của Thân như: đánh đập người, dắt dìu người già qua đường, phá hủy môi trường sống…

    Khẩu nghiệp là hành động tạo tác của Miệng như: khuyên dạy mọi người làm điều tốt, mắng nhiếc người, vu oan người khác…

    Ý nghiệp là hành động tạo tác của Ý như: suy nghĩ làm điều thiện, toan tín làm điều ác…

    [3]Hoằng dương Phật pháp: truyền bá những lời dạy hay giáo lý của đức Phật.

    [4]Sa môn: chỉ người xuất gia nói chung.

    Thuộc truyện: Sử Thượng Đệ Nhất Phật Tu