Home Đam Mỹ Tây Song Trúc – Chương 12: Chuyện xưa

    Tây Song Trúc – Chương 12: Chuyện xưa

    Thuộc truyện: Tây Song Trúc

    Góc phía Đông Nam nhà họ Lục, cách trúc đình ba dãy hành lang, có một cánh cửa tròn sơn đỏ dẫn ra Ngẫu Hoa tiểu uyển*.

    *Tiểu uyển: vườn hoa nhỏ; Ngẫu hoa: ngó sen.

    Yến Sâm từ giờ sẽ ngụ ở nơi này.

    Nói là tiểu uyển, thực ra lại rộng rãi vô cùng. Trước cửa là một con đường lát đá xanh dài hơn một trượng, quẹo phải sẽ thấy một gian nhà trống rộng rãi thoáng mát. Bên trong đình viện là một hồ nước xanh biếc, sơn thạch bao quanh, đổ xuống một dòng thác nhỏ cao bảy thước, bắn ướt cả hàng tương phi trúc* mọc ven tường.

    *Tương phi trúc [湘妃竹]: trúc tương phi, hay còn gọi là trúc đốm. Tương truyền rằng, Vua Thuấnkhi đang đi tuần ở Thương Ngô thì băng hà, hai vợ Vua Thuấn thương chồng than khóc ở khoảng giữa Trường Giang và Tương Giang nước mắt vẩy lên cây trúc, từ đó da trúc có đốm.

    Cửa phòng đặt hướng về phía mặt trời mọc, thác nước dẫn từ sơn tuyền,  thời tiết ấm áp, nước chảy xuống không ít, đối với Yến Sâm mà nói là một nơi lý tưởng để an thai. Hắn sẽ sinh con vào tháng bảy, là thời điểm hoa sen nở đầy ao, lá sen tầng tầng, nở ra chứa nước, lúc đau đớn khi sinh, liền sắp xếp một cái ghế tre đặt ở chỗ râm mát rồi nằm trên đó, giội lên nước mát giải nhiệt, có thể giảm bớt đau đớn.

    (Gấu: Khổ thân em nó, nào có được sinh ở đây đâu T_T)

    Lãng Châu ở phía Nam, vào chớm xuân. Hắn cùng Lục Hoàn Thành vừa mới trở về, phía bắc vẫn còn gió tuyết ngàn dặm, nơi này liễu non đã lặng lẽ đâm chồi. Trước mắt sắp đến tháng tư cuối xuân, cỏ hoa tàn lụi, mầm xanh rũ hết sắc vàng úa, không khí ẩm thấp trùng xuống, dệt nên một bức tranh tơ lụa xanh biếc đầy sức sống.

    Mấy ngày nay nắng ấm, Yến Sâm mặc một tấm áo khoác cân vạt mềm mại, dọc theo hành lang phía đông hướng về trúc đình chậm rãi bước đi.

    Thân thể hắn ngày càng nặng nề, bụng lớn gồ lên, đi lại dễ dàng mệt mỏi, thế nhưng hắn không muốn lười biếng bất động ở tiểu uyển làm gà mái ấp trứng. Trong lòng hắn nhớ Duẩn Nhi, thường xuyên đi tới trúc đình thăm nom, thuận tiện cắt sửa cành lá lộn xộn một chút cho chính mình – cơ thể tuy rằng càng ngày càng khó nhìn, thân trúc vẫn phải đẹp đẽ như lúc ban đầu.

    Tình cờ mấy ngày nay không có mưa, trong bụng xao động kịch liệt, hắn liền múc một bát nước ao, lảo đảo bưng tới trúc đình, làm ướt rễ cây cho Duẩn Nhi.

    Đi được nửa đường, đau đớn nơi thắt lưng càng trở nên khó chịu hơn.

    Hai hàng lông mày Yếm Sâm nhăn nhó, muốn nghỉ chân một lát, dùng tay trái chống lên cột hành lang, tay phải đỡ eo, chậm chạp khụy gối ngồi xuống lan can. Đến khi cái bụng chạm tới bắp đùi, hắn mới coi như miễn cưỡng ngồi xuống, năm ngón tay đưa về phía sau lưng xoa bóp, muốn đem vòng eo cứng ngắc nhào mềm đi chút đỉnh.

    Mỗi lần ở một mình gặp khó chịu, hắn lại đặc biệt nhớ nhung Lục Hoàn Thành.

    Từ khi trở về Lãng Châu, Lục Hoàn Thành lại giống như trước kia, đi sớm về muộn lo liệu chuyện làm ăn trong nhà. Con đường giao thương ở Giang Bắc dọc theo sông Liêu* kéo dài ngàn dặm, công việc chồng chất như núi, tỉ mỉ tính toán, so với trước kia còn bận rộn hơn.

    *Sông Liêu (Liêu Hà): Sông Liêu là một dòng sông lớn ở miền nam Mãn Châu. Với chiều dài 1345 km, nó được xếp vào nhóm 7 dòng sông lớn nhất Trung Quốc.

    Lục Hoàn Thành lo Yến Sâm sống một mình cô đơn liền để Ngẫu Hoa tiểu uyển cho hắn,

    Viện tử này trang nhã, Yến Sâm đến ở cũng hài lòng, nhưng vì thói quen nửa năm qua sớm chiều ở chung, Lục Hoàn Thành không ở bên người khiến hắn cảm thấy cô đơn, luôn hy vọng y có thể về sớm một chút, ở bên hắn và hài tử nhiều hơn.

    Ngày đó Lục Hoàn Thành đã đáp ứng hắn, nói sau này sẽ không rời không bỏ, lời hứa một khi đã lập, thì nhất định sẽ một mực tuân thủ.

    Bất kể ban ngày bận bịu đến đâu, không bàn tới có dạ yến, buổi tối sau khi về nhà bái phỏng mẫu thân, chuyện đầu tiên Lục Hoàn Thành làm chính là chạy về Ngẫu Hoa tiểu uyển, tự mình tắm rửa thay y phục cho Yến Sâm, ôm tới giường, mắc màn, đem tầng tầng màn lụa mỏng manh buông xuống. Hai người trong màn ôm nhau thì thầm nói chuyện, cắn tai một hồi thành thân thể nói chuyện.

    Duẩn Nhi cố ý nhân lúc bọn họ hôn môi thắm thiết mà làm ầm ĩ, hại Yến Sâm mấy lần cắn bị thương đầu lưỡi. Có lần đau quá, còn đem môi dưới Lục Hoàn Thành cắn đến chảy máu.

    Yến Sâm khung xương nhỏ, mang thai cũng không béo lên, dáng vẻ đáng thương ôm bụng nhịn đau khiến người khác làm sao không lo lắng.

    Lục Hoàn Thành không giúp được hắn, không thể làm gì khác hơn là dùng uy nghiêm phụ thân, cách bụng đe dọa Duẩn Nhi, ra lệnh nó phải nằm im ngoan ngoãn. Một hai lần còn hữu hiệu, nhiều lần, Duần Nhi phát hiện bụng phụ thân tuy rằng mỏng manh là thế, nhưng lại giống như một tấm khiên đao thương không sợ, có thể đảm bảo nó không mất một sợi tóc, liền không cho Lục Hoàn Thành mặt mũi, ngược lại đạp càng mạnh hơn.

    Yến Sâm trở thành chiến trường cho hai phụ tử kia giao chiến, có nỗi khổ khó nói, một bên nhẫn nhịn thai động ngày càng kịch liệt, một bên gắt gao che lên miệng Lục Hoàn Thành, không cho y mắng lại. Gần đây phụ tử mâu thuẫn càng nhiều, mỗi đêm đều ồn ào như vậy một lần, khiến hắn sức lực cạn kiệt, hận không thể đem con móc ra nhét vào bụng Lục Hoàn Thành, sau đó đạp xuống giường bỏ đi, để mặc cho bọn họ thỏa sức mà tranh cãi.

    Trên hành lang dài, cây xanh che rợp, bóng cây trùng điệp, đã lâu không có người đi qua. Yến Sâm nghỉ ngơi một lúc, xương sống thắt lưng đã hơi dịu lại, liền đỡ bụng cẩn thận đứng dậy, kéo lại áo choàng, tiếp tục hướng về trúc đình tập tễnh bước đi.

    Hắn không giỏi giao tiếp, lúc vào phủ từng một lần lo lắng vấn đề ở chung, lại không dám như hôm nay bước đi giữa hành lang, chỉ sợ lộ thân hình, để hạ nhân nhìn thấy. Ở lâu mới thấy Lục trạch tuy lớn, nhưng người ở lại vắng vẻ. Tiếng người huyên náo đêm đó tựa như chỉ là ảo giác, mặt trời lên, ảo cảnh không còn, trở lại là một tòa Lục trạch yên ắng trống trải.

    Lục mẫu ở Phật đường lâu, ngày đêm tụng kinh, ăn cũng là ăn chay, không ăn uống cùng mọi người. Lục nhị đệ nuôi một con báo đen, cả ngày làm bạn với nó, đóng cửa không ra, tuyệt không xuất hiện.

    Yến Sâm ở Lục gia gần hai tháng, không khác mấy lúc còn là cây trúc, bên tai nghe nhiều nhất vẫn là tiếng chim đập cánh, tiếng giọt nước mưa nhỏ xuống giếng sâu.

    Kỳ thực mười năm trước, Lục gia không có dáng vẻ này.

    Lục gia đời trước vốn không ở riêng.

    Tổ phụ Lục Hoàn Thành cưới một thê ba thiếp, sinh ra tám nhi tử, mấy chục miệng ăn sống chung một nhà, từng là một gia đình con cháu đông đúc. Đến đời này, Lục Hoàn Thành là con trưởng nhưng không ham mê đọc sách, khăng khăng đi theo con đường buôn bán, nhà họ Lục ba trăm năm dòng dõi nho học, ba trăm năm con đường làm quan hưng thịnh, suýt chút nữa bị đứt đoạn, các chi họ khác lúc này trở nên không an phận, rục rịch tranh cướp vị trí con trưởng.

    Lục Hoàn Thành năm ấy mười tám tuổi, tứ thúc dẫn theo hai đứa con trai làm loạn tiền viện, chặn trước cửa phụ thân Lục Hoàn Thành mà chửi ẩm lên, mắng con trưởng đích tôn mà không biết tiến thủ, đi con đường bàng môn tà đạp, lãng phí văn mạch quý giá của Lục gia, nên lúc còn kịp nên thỉnh tội mà lui xuống, nhường vị trí đương gia* cho chi thứ tư đã đọc đủ thứ thi thư. Buổi tối hôm đó, chi thứ hai, thứ ba liên tiếp bùng nổ, bảy đứa con trai đều làm loạn, bộ mặt xấu xí ác độc đều mang lên sân khấu diễn một lần.

    *Đương gia: Thường để nói về người gánh trách nhiệm cai quản mọi việc trong gia đình.

    Khi đó gia gia(ông nội) Lục Hoàn Thành còn khỏe mạnh, lão gia tử tính khí nóng nảy, gọi Lục Hoàn Thành đến, bắt y quỳ trước bài vị tổ tiên hỏi xem y có thể gánh vác gia nghiệp hay không. Lục Hoàn Thành không sợ hãi ngẩng đầu, lớn tiếng đáp có thể, Lục lão gia quyết định thật nhanh, vuốt ria vỗ bàn, trực tiếp dứt khoát phân chia, nên cút đi thì thu thập toàn bộ gia sản cút đi, không cần ở lại bôi tro trát trấu vào mặt tổ trạch, quấy rầy sự thanh tĩnh của tổ tiên.

    Trong vòng một đêm, Lục trạch thẳng thắn đuổi ra mấy chục người, chỉ lưu lại một mạch chi trưởng. Gia tộc ba đời, tổng cộng bảy người. Bữa tối vừa vặn ngồi đủ một bàn, ngồi sát bên nhau, hai bên bàn đều có thể trò chuyện, có thể nói là hòa thuận vui vẻ.

    Khi đó Lục Hoàn Thành có ông bà, có cha mẹ, còn có một đôi muội muội song sinh, chính là quãng thời gian vui vẻ nhất.

    Đáng tiếc tiệc vui chóng tàn, sau mấy năm ngắn ngủi, bảy người mất dần chỉ còn lại ba.

    Đầu tiên là năm Lục Hoàn Thành nhược quán (khoảng 20 tuổi), muội muội Lục Hoàn Ninh mới vừa tròn ba tuổi ăn nhầm lá trúc đào, trúng độc bỏ mình. Tiếp tục sáu tháng sau, cha của nàng trên đường vào kinh thì rơi xuống sông mà chết. Trong nửa năm, ấu tôn chết non, con trai chết yểu, tổ phụ tổ mẫu không chịu nổi đả kích, lần lượt cưỡi hạc về tây thiên. Đến năm Lục Hoàn Thành hai mươi hai tuổi, chủ nhân trong Lục gia, chỉ còn lại ba người là mẫu thân, đệ đệ của Lục Hoàn Thành và y.

    Lục gia gặp biến cố, trên đường phố Lãng Châu đồn đại không ít.

    Nói là do Lục lão gia tử muốn phân chia, gia tộc không còn con cháu đầy đàn, tình thế một khi đã đứt đoạn, gia cảnh sẽ cấp tốc sa sút, không còn cơ hội trở mình, hai là nói vì Lục Hoàn Thành buôn bán, văn mạch Lục gia ba trăm năm một ngày khô héo, tổ tiên tức giận, không còn phù hộ che chở, ba là nói do yêu nghiệt quấy phá, Lục gia cây lớn đón gió to, chắc hẳn đã bị yêu vật âm thầm để mắt đến, từ trẻ nhỏ ba tuổi giết lên, chính là quật đất chém rễ.

    Thế nhưng, trong hoàn cảnh người người hùng hổ chỉ trích nghi vấn, Lục Hoàn Thành khi đó mới hai hai tuổi, vẫn không hề suy sụp.

    Hắn đứng trước bức tường đã sụp đổ, nâng lên bảng hiệu Lục gia nặng tựa ngàn cân, tiếp tục buôn bán tơ tằm gấm lụa và gỗ tử đàn của hắn, trong đàm phán kinh doanh luôn giữ chữ tín, tích tài tích đức làm ăn. Lục gia suy vong không phải giả, có điều ở trong tay y, sao có thể hiện ra chút dấu hiệu sa sút nào, trái lại giống như trong than hồng bừng lên một ngọn lửa hừng hực, càng cháy càng vượng.

    Sau đó, lời đồn đại do phân chia mà suy vong chưa phá tự vỡ.

    Lục Hoàn Thành không đi con đường làm quan, không có nghĩa đệ đệ y Lục Hoàn Khoang cũng buông tha con đường này. Lục nhị công tử đích thực là một thư sinh, vài năm trước nhặt được một con báo đen vô cùng dũng mãnh*, càng thêm lưu luyến sách vở, đêm đêm khêu đèn đọc sách. Bất kể  đứng ngồi hay nằm đều ôm con báo mắt như ngọc châu kia, sớm chiều không rời nửa tấc. Lục Hoàn Thành suy đoán, văn mạch Lục Gia không ở trên người y, cũng có thể rơi trên người Khang Nhi, liền dặn dò y an tâm đọc sách, chi phí ăn mặc đều chọn loại tốt nhất mà hầu hạ.

    *Bản gốc dùng từ “con báo đen ô vân  đạp tuyết”: Ô Vân Đạp Tuyết, tức “mây đen đạp tuyết”, là tên của một con ngựa quý và nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc của Trương Phi, toàn thân đen tuyền như “ô vân”, hai vó màu trắng như “đạp tuyết”. Người đời sau dùng từ này để chỉ những gì dũng mãnh.

    Chuyện đọc sách này, từ trước đến nay, cần nhất vẫn là năng lực. Lục Hoàn Thành biết Khang Nhi thiếu vài phần này, nhưng cũng tin cần cù có thể bù thông minh. Tương lai tham gia khoa cử, nếu như nhận được phúc ấm tổ tông, ghi danh sử sách, liền có thể xóa đi lời đồn đại thứ hai.

    Bàn về chuyện quỷ quái yêu nghiệt hoang đường, Lục Hoàn Thành chưa bao giờ để trong lòng, nhưng trong tòa nhà này, có một người đối với lời đồn này tin chắc không nghi ngờ – đó là mẹ của y.

    Lục phu nhân vốn là khuê nữ ôn hòa biết lễ nghĩa, môn đăng hộ đối gả đến Lục gia, độc chiếm sự sủng ái của phu quân mà thuận lợi sinh ra hai trai một gái, đều là những đứa trẻ thông minh sáng dạ. Làm thế nào đoán được họa phúc sớm chiều*, đầu tiên là tang con, sau đó là tang chồng, một đời an bình bị hủy hoại toàn bộ. Bà chịu đựng những ngày tháng đen tối này, nhưng lại chưa từng thực sự thoát khỏi nó, trong lòng còn ám ảnh, ngẩng đầu cúi đầu đều cảm thấy Lục trạch âm khí dày đặc, quỷ quái bốn phía, không biết chừng lúc nào đó lại đi ra quấy phá, cướp đi tính mạng hai đứa con trai còn sống của bà.

    *Đán tịch họa phúc: bắt nguồn từ câu tục ngữ của Trung Quốc: “thiên hữu bất trắc phong vân, nhân hữu đán tịch họa phúc” = “trời có mưa gió khó đoán, người có họa phúc sớm chiều.” Ý muốn nói họa phúc của con người xảy đến và nhanh chóng bất ngờ, khó mà đoán trước được.

    Bà đem quãng đời còn lại hiến tế cho Phật đường, không dám rời xa gối phật tổ, làm một tín đồ thành kính, đọc kinh ăn chay, cầu phúc khẩn khoản, bảo vệ cho nhi tử của bà một đời an khang.

    .

    Thuộc truyện: Tây Song Trúc