Home Đam Mỹ Tiên Sinh Đến Từ 1930 – Chương 89: Một tý nghìn năm văn vở

    Tiên Sinh Đến Từ 1930 – Chương 89: Một tý nghìn năm văn vở

    Thuộc truyện: Tiên Sinh Đến Từ 1930

    1.

    Tôi từng đến Nam Kinh vài lần, nhưng vội quay về nên chưa đi chơi được nhiều nơi. Một tòa phủ tổng thống, cũng là phủ Thiên Vương, khúc khuỷu quanh co nói hết lên sự thay triều đổi đại, bãi bể nương dâu; một ngọn Tử Kim Sơn, vậy mà vừa là lăng tẩm của quốc phụ (Tôn Trung Sơn), vừa là lăng mộ của Minh Thái Tổ, khiến cho người ta có ảo giác vĩnh viễn lạc đường. Tôi đi qua sông Tần Hoài trong ánh hoàng hôn, Ô Y không biết là con ngõ nào, vậy mà chim én luôn tìm ra.

    Hèn gì đây là đại bản doanh của Côn khúc và côn trùng. Khí chất vương quyền của Kim Lăng, sắc phấn son của Tần Hoài đều phiêu diêu trong điệu Côn khúc.

    Cho nên lúc tôi đọc được Kim gia gia và Bạch Lộ Sinh, tôi thích rồi.

    Nuôi từ nhỏ tới lớn, cố khúc tri âm, Lộ Sinh phải lòng Thế An là đương nhiên. Nhưng Thế An là kiểu điển hình trực nam cho nên không nhận ra, không đáp lại. Hắn thích tài hoa và tướng mạo của Lộ Sinh, coi cậu như bạn bè thân thiết. Nhưng hơn thế nữa là gì thì hắn không nghĩ tới. Cho nên hắn vừa cưng chiều Lộ Sinh, vừa quang minh chính đại đi hò hẹn với người phụ nữ khác, tung hoành khắp thương trường chiến trường tình trường, sống cuộc sống hào môn thiếu gia của hắn.

    Nếu như ở thời kỳ bây giờ thì hoặc là buông tay, hoặc là bẻ cong. Nhưng tại thời đại ấy, mọi người xem quan hệ của Thế An và Lộ Sinh chỉ như là mối nhân duyên tiền tài bao dưỡng. Bao dưỡng đào kép đã là một việc hổ thẹn, nếu vì vậy mà chậm trễ việc cưới vợ sinh con thì càng là trời đất khó dung. Nếu buông tay, Lộ Sinh tiếc, nói ra rồi biết làm sao đây, lại không thể bẻ cong.

    Hóa ra trăm lần muôn hồng nghìn tía đều đi đến kết cục bế tắc. Đây là ngõ cụt. Cho dù tới “Bá Vương Biệt Cơ”, vẫn là ngõ cụt.

    Nếu không có kiếp sau, không có Bạch Dương, Thế An và Lộ Sinh cứ như vậy mà rơi vào kết cục bi thảm.

    2.

    Bởi vì thiết lập nhân vật là ngốc bạch ngọt, cũng bởi ý định của tác giả là “trước hạ sau nâng”, Bạch Dương luôn bị người đọc xem thường. Nhưng đứa trẻ này thực ra không đơn giản.

    Không đơn giản nhất là ở chỗ: Cậu là con gián đánh mãi không chết, cậu không vỡ.

    Rất nhiều người trong số chúng ta từng là Tiểu Bạch Dương đúng không? Một đứa nhóc ngốc bạch ngọt, muốn thành danh lại không có cửa, cố gắng bao nhiêu cũng chỉ là công dã tràng, làm đá kê chân cho người khác mà không tự biết, bị cặn bã ức hiếp chỉ biết ngồi khóc, gặp được người có thể bảo vệ mình thì ra oai cậy mạnh…

    Thời gian vô tình, ngọc trai biến thành mắt cá, ngọc thô đều bị phong hóa thành đá mòn, tan thành cát bụi cuốn bay theo gió.

    Trưởng thành đúng thì mới được công nhận là trưởng thành, nếu mọc lệch, sẽ là sai trái; càng nhiều hơn chính là sự hao mòn.

    Bạch Dương thì sao, thời điểm cậu chưa trưởng thành, cậu vẫn luôn lớn lên, vẫn trước sau như một giữ được bản chất tự nhiên đơn thuần, không sai không lệch, cũng không hao mòn.

    Con người trở nên xấu xa, có khi chỉ trong một giây đồng hồ: Nói xấu một câu sau lưng người khác, nói dối một hồi trước mặt người khác, trơ mắt đứng nhìn khi có thể ra tay hỗ trợ….

    Anh nói Bạch Dương sống dễ dàng, vậy anh thử xem.

    Cậu tốt như thế nào, Thế An biết, Chung Việt biết, Tiểu Khương biết, tất cả những người thân quen của cậu tự nhiên sẽ biết. Cậu giống như một tấm gương phản chiếu tính cách của tất cả những người xung quanh mình: Kim Thế An dịu dàng sâu cay, Lý Niệm chanh chua bạc tình, Chung Việt si tình khắc cốt, Tiểu Khương ngạo kiều khó chịu…

    Cậu bạn nhỏ này là biểu tượng cho một mặt chân thật và đáng yêu nhất của thanh niên thời hiện đại: Không có gánh nặng lịch sử, không biết đến quá khứ đau thương, sống một cách đơn thuần, có lòng hướng thiện, tình nguyện học tập, tin tưởng rằng cố gắng sẽ đạt được tương lai tốt đẹp.

    Tất cả những thế hệ trước đã hy sinh xương máu, tranh đấu vùng vẫy, cũng chỉ vì một tương lai rộng mở, giàu có, tự do, thái bình phồn vinh, để cho những cậu bạn nhỏ như Bạch Dương có thể sống một cách thỏa thích.

    Cho nên Kim gia gia vừa gặp được Bạch Dương, hắn đã yêu đến mức thân bất do kỷ.

    Duy kẻ khờ dại, có được thiên hạ, có được chân tình.

    3.

    Mọi người đã đọc rất nhiều câu chuyện xuyên việt. Mark Twain cho nhân vật xuyên đến thời đại của vua Arthur, vẽ một bức quảng cáo kem đánh răng lên tấm khiên của kỵ sĩ; lại có người xuyên về thời Tống phát minh máy hơi nước; còn có người muốn xuyên về mười năm trước để mua nhà giá rẻ; hoặc là thừa dịp thị trường chứng khoán đang chạm đáy mà tranh thủ đầu cơ….

    Mà vị Kim tiên sinh đến từ 1930 này, hắn xuyên qua đây để làm gì?

    Theo như cách nói của Italo Calvino, xuyên việt cũng được, trùng sinh cũng thế, tất cả là để tạo ra một “đường ống liên thông”, khiến cho hai thời đại cách nhau 80 năm được đối chiếu, được va chạm, cùng trào phúng nhau, cùng yêu cùng hận.

    Cho nên, đây chính là một phép thử của “Trời thu thắm sắc không biết liệu có thể bớt chút thời giờ nhàn hạ ghé thăm tệ xá đàm đạo đôi câu” và “Có phải trym anh rất lớn không”; là sự sai lệch giữa “Phú quý phúc trạch, hậu ngô chi sinh, bần tiện ưu thích, ngọc nhữ vu thành” và “Không diễn thành danh, tôi sẽ không gặp anh ấy”; cũng là một linh hồn tới từ quá khứ không ngừng tự giễu về thời đại cũ; cũng là sự tự cao trào của “Tơ tình vương vấn, sinh tử khó quên” và “Ngủ cái lòn má đứng dậy mà high”.

    Tất cả đều được nung nấu trong bộ “Tần Hoài mộng”, chìm nổi, lắng đọng, trở thành một khúc trường ca sinh ra vì mảnh đất cố đô Nam Kinh.

    Nếu không có Bạch Dương, e rằng Kim Thế An sẽ có rất nhiều oán giận và khinh thường với thế giới này. Nhưng vì đứa trẻ đơn thuần như nước rạng rỡ như hoa ấy, hắn đã giảng hòa với thời đại này. Tháng năm trôi qua, rất nhiều thứ không hề thay đổi. Thế đạo tuy là vừa mãnh liệt vừa bạc bẽo, nhưng nếu gặp đúng người, cũng có thể đạt được hạnh phúc.

    4.

    Tình tiết Tiểu Kim tổng đột nhiên xuyên ngược trở về khiến tất cả mọi người đều xáo trộn. Tôi luôn không thích chi tiết ca ngợi lòng yêu nước trong tiểu thuyết tình yêu, nhưng đây là một câu chuyện có liên quan đến Nam Kinh của thập niên 30. Năm 1937 là một năm không thể tránh được chữ máu.

    Nam Kinh bị chiếm đóng, Vũ Hán thất thủ, Thái Nguyên thất thủ, Trường Sa mấy lần tiến lui… So với cuộc di tản Dunkerque, trận chiến này càng gian nan hơn, bầu trời đầy máy bay oanh tạc, bên người là phụ nữ và trẻ em gào khóc…

    Tám năm kháng chiến, máu giội Trung Hoa, từng tấc từng tấc đúc ra sự nhận thức của nhân dân về quốc gia dân tộc mình. Đối với người hiện đại, đoạn trí nhớ này phần lớn chỉ còn là những tri thức khô khan trên mặt sách giáo khoa, hoặc là những soái ca mỹ nữ trên phim truyền hình.

    Cho nên Tiểu Kim tổng buộc phải đi chuyến này.

    Trong thời điểm non sông chao đảo, dân chúng ly tán, vị phú nhị đại phá gia chi tử sinh ra trong nhung lụa này đã cố gắng xoay chuyển tình thế, cứu lấy tổ quốc của hắn, cứu lấy người yêu của hắn. Điên cuồng như thế, hoang đường là thế, rồi lại dường như chẳng thể thay đổi điều gì.

    Tình tiết xuyên ngược này đã chỉ ra nhận thức chung về nước nhà, đem hai điều dường như không thể hiểu nhau kết hợp lại mà không tuân theo bất kỳ luật lệ của thời đại nào. Quá khứ hiểu được hiện tại, hiện tại thấu hiểu quá khứ, trở thành một ký ức hoàn chỉnh về một thành phố.

    5.

    Có người không thích hai nhân vật chính trong câu chuyện này, có lẽ bởi vì bọn họ không phải là những người có cá tính cực đoan. Trong một câu chuyện, những người sở hữu cá tính cực đoan thường được ưu ái hơn. Cho nên Tiểu Kim tổng ngốc nghếch có phần chiếm đất diễn của Kim tiên sinh nho nhã lịch sự, Lý Niệm chanh chua so với Bạch Dương đơn thuần khờ dại thì càng thu hút sự chú ý.

    Nhưng Nam Kinh là một thành phố ôn hòa. Người dân sinh sống nơi đây phần lớn cũng ôn hòa và bình dị như Kim tiên sinh và Tiểu Bạch Dương, không hiện núi, không lộ sông. Chỉ có sinh sống gần bên bọn họ thì mới cảm nhận được cái hồn hậu tốt đẹp.

    Thật giống như ở trong câu chuyện này, chỉ cần tiếp xúc với hai người bọn họ thì vận mệnh cùng diện mạo của những người xung quanh cũng xuất hiện sự thay đổi theo chiều hướng tích cực: Lý Niệm, Chung Việt, Trịnh Mỹ Dung, Tiểu Khương ca,…

    Như hoa tươi rực rỡ, trôi theo dòng chảy tháng năm, sớm sớm chiều chiều, gặp được đúng người, kết một mối tình duyên sinh tử. Ngay cả khi chỉ là trong một vở kịch, cũng không uổng.

    Hôm nay nhận được tuyển tập thơ mới xuất bản của Yeats: “Sự cuồng hoan vắng lặng”, tôi phát hiện ra một đoạn thơ dưới đây, dường như là viết riêng cho câu chuyện tình yêu vương vấn hai kiếp người này—

    Many times man lives and dies

    Between his two eternities,

    That of race and that of soul,

    And ancient Ireland knew it all.

    Whether man dies in his bed

    Or the rifle knocks him dead,

    A brief parting from those dear

    Is the worst man has to fear.

    (Under Ben Bulben – W.B Yeats)

    Stopping by Woods on a Snowy Evening-

    – ———————————————————

    Dờ: Tất nhiên không phải là editor dốt văn như tôi viết rồi, đây là một bình luận dài trên Tấn Giang. Tôi cảm thấy nó rất đúng với cách nhìn nhận của tôi nên quyết định dịch lại, coi như cảm nhận sau khi đọc 1930.

    Thuộc truyện: Tiên Sinh Đến Từ 1930