Home Đam Mỹ Hoàng Đế Nan Vi – Chương 116

    Hoàng Đế Nan Vi – Chương 116

    Thuộc truyện: Hoàng Đế Nan Vi

    Trầm Chuyết Ngôn cũng phụng chỉ tiến cung.

    Minh Trạm nói, “Chuyết Ngôn, trước kia ngươi cũng không phải người quyết liệt như vậy.” Đương nhiên Minh Trạm hoàn toàn không có một chút hảo cảm nào đối với Triệu gia, bằng không cũng sẽ không thu hồi tấm biển ngự ban của Triệu gia.

    Nhân Tông hoàng đế là tổ phụ của Minh Trạm, Minh Trạm cho rằng chính mình lấy thứ thuộc về nhà của mình là điều hoàn toàn hợp tình hợp lý.

    Nhưng Minh Trạm hiểu rõ Trầm Chuyết Ngôn, kỳ thật bản tính của Trầm Chuyết Ngôn có thể xem là nhu hòa, bằng không cũng sẽ không động lòng đối với nữ nhân mạnh mẽ như Ngô Uyển. Con người thường hướng đến những thứ mà mình khiếm khuyết, tỷ như tiểu Minh ù không có mỹ mạo, hắn phải tìm kẻ có mỹ mạo đứng đầu thiên hạ để nâng mình lên cho cân bằng.

    Bản tính của Trầm Chuyết Ngôn hoàn toàn khác hẳn với Lâm Vĩnh Thường, một người bởi vì uống rượu mà bỏ lỡ ân khoa mùa xuân, có thể theo bản năng mà coi trọng một nữ nhân thông minh khôn khéo như Ngô Uyển thì xác thực người này cũng có chút đạo lý.

    Việc này cũng làm cho ngòi bút của Trầm Chuyết Ngôn không quá sắc bén, hơn nữa theo bản tính của Trầm Chuyết Ngôn thì sẽ không thể viết ra tám chữ Lừa đời lấy tiếng, vì sao không chết như vậy.

    Minh Trạm cảm thấy hơi khó hiểu.

    Trầm Chuyết Ngôn cúi đầu, cũng không chịu nói rõ, “Thần chỉ muốn đòi lấy công đạo cho Kỷ cô nương mà thôi. Còn nữa, Triệu gia làm như thế vốn là mua danh chuộc tiếng. Nếu để hắn ung dung tự tại như thế thì thử hỏi thiên lý đặt ở đâu?”

    “Chẳng lẽ bởi vì ngươi gặp được Ngô Uyển nên đặc biệt chán ghét đám nam nhân không có trách nhiệm hay sao?”

    Trầm Chuyết Ngôn lắc đầu, “Không liên quan đến Ngô cô nương, thần là người Chiết Mân, đương nhiên hiểu rõ Triệu gia hơn người khác. Bệ hạ, đừng nhìn đám thư hương dòng dõi như thế, trên thực tế đều là lòng lang dạ sói, không từ bất cứ thủ đoạn nào. Nay bên ngoài hy sinh một Kỷ cô nương thì mới có người đứng ra vạch tội Triệu gia. Trên thực tế bởi vì Kỷ cô nương xuất thân từ Kỷ gia, đó cũng là danh môn có tiếng ở Chiết Mân, vì thế mới có người biết chuyện, dẫn đến vụ án khiến mọi người chú ý. Kỳ thật rốt cục có bao nhiêu người còn bi thảm hơn cả Kỷ cô nương, hoặc là cả đời không thể để cho người khác biết, cứ như vậy mà không có bằng chứng, bị chôn vùi mãi mãi.”

    “Thần nghĩ sinh mạng của các nàng cũng là sinh mạng.” Ánh mắt của Trầm Chuyết Ngôn đột nhiên sáng rực, dường như đã hạ quyết tâm, thật lâu sau mới cắn môi rồi nhẹ giọng nói, “Tuy rằng Triệu gia rút đơn kiện, nhưng nhất định sẽ không dễ dàng để yên, thay vì để kẻ khác nói hưu nói vượn với bệ hạ thì không bằng để thần đích thân nói rõ chuyện này.”

    “Thần và Triệu gia có mối thù không đội trời chung.” Lời này của Trầm Chuyết Ngôn dọa Minh Trạm nhảy dựng.

    Minh Trạm sờ vòng ngọc trên cổ tay, chợt nghe Trầm Chuyết Ngôn nói, “Gia mẫu vốn là tú nương ở Chiết Mân, bởi vì tay nghề tinh thông mà có thể nuôi sống cả nhà bằng việc làm thợ ở tú phường của Triệu gia. Sau đó, vì nhận thấy tay nghề của gia mẫu xuất chúng mà Triệu gia ép buộc gia mẫu phải bán nghề cho bọn họ. Nhưng sau khi gia mẫu giao ra tay nghề thì Triệu gia vẫn chưa từ bỏ ý định, sợ gia mẫu sẽ bán tay nghề của mình cho kẻ khác, vì vậy lại ép buộc gia mẫu nhập phủ làm thiếp. Chưa tròn một tháng thì gia mẫu đã qua đời ở phủ Triệu gia.”

    “Bệ hạ, chuyện của gia mẫu có oan hay không?” Trầm Chuyết Ngôn quỳ dưới đất, một hàng lệ rơi xuống từ khóe mắt.

    Oan hay không?

    Ở trong mắt của Triệu Thanh Di thì phụ thân của hắn rất oan ức.

    Nhưng trong mắt của Trầm Chuyết Ngôn thì báo ứng của Triệu gia đã là quá muộn.

    Rất khó có thể xem nhẹ phú quý, tuy rằng trong tư tưởng của Minh Trạm thì Triệu gia cũng chẳng phải kẻ nhân đức thiện mỹ gì cả, nếu không thì nhất định sẽ không xảy ra chuyện của Kỷ thị.

    Nhưng tư tưởng là một chuyện, chân chính nghe người ta giáp mặt tố cáo lại là chuyện khác.

    Minh Trạm không thể không suy nghĩ, bên dưới vinh hoa phú quý cần có bao nhiêu dơ bẩn và máu tươi để dựng nên.

    Một Triệu gia vì phú quý của gia tộc mà có thể làm nhiều chuyện không từ thủ đoạn như thế, còn hoàng thất thì sao? Hoàng thất bởi vì sự thống trị của mình mà hy sinh bao nhiêu máu nước mắt và mạng người

    Có một câu gọi là: thiên tử giận dữ, máu chảy thành sông.

    Đây là nghiệp chướng!

    Minh Trạm bỗng nhiên ngộ ra một điều, hắn nhớ đến những chuyện xày ra trong lịch sử, mỗi khi kết thúc một triều đại thì thường thường sẽ là lúc một gia tộc hoàn toàn diệt vong.

    Có lẽ đây cũng là báo ứng!

    Nhìn về phía Trầm Chuyết Ngôn, Minh Trạm than nhẹ, “Ngươi cũng không làm gì sai trong chuyện này. Về tình về lý thì đều không sai. Chuyết Ngôn, ngươi đứng dậy đi.”

    Trầm Chuyết Ngôn dùng tay áo lau nước mắt rồi đứng lên. Minh Trạm cảm thấy trong lòng không thoải mái, hắn hỏi Trầm Chuyết Ngôn, “Mộ phần của mẫu thân ngươi đã đưa ra ngoài chưa?” Đừng bảo là vẫn còn ở Triệu gia, nếu để Triệu gia điều tra được xuất thân của Trầm Chuyết Ngôn thì chẳng phải sẽ đào mộ của mẫu thân Trầm Chuyết Ngôn lên để trút hận hay sao?

    Trầm Chuyết Ngôn gật đầu, cất lên giọng mũi, “Cảm tạ bệ hạ đã quan tâm, thần và cữu cữu đã mang di cốt của gia mẫu đến nơi khác, người bình thường không thể tìm thấy.”

    “Hầy, thật khổ cho ngươi và Lâm Vĩnh Thường, hơn nữa cữu cữu của ngươi đã làm đại quan mà vẫn có thể nhịn xuống không trả thù Triệu gia.” Minh Trạm cảm thấy nếu đổi lại là hắn thì đã sớm đâm chết họ Triệu từ lâu rồi.

    Trầm Chuyết Ngôn không phải không biết thẹn khi Hoàng thượng khen cữu cữu của hắn, kỳ thật nếu Minh Trạm tìm lại một chút lý lịch khi Lâm Vĩnh Thường làm Ngự sử thì sẽ biết những tham quan bị Lâm Vĩnh Thường ngự tấu có hơn mười người đều họ Triệu, những người này nếu không xuất thân từ Triệu gia ở Chiết Mân thì cũng có liên hệ với Triệu gia.

    Nhưng bởi vì sức chiến đấu của Lâm Vĩnh Thường quá mạnh mẽ, số người bị hắn ngự tấu thật sự rất nhiều cho nên những kẻ họ Triệu bị rơi vào danh sách cũng không quá chú ý đến việc này.

    Triệu gia cũng thật sự có mắt không tròng, đắc tội hai cậu cháu nhà này đúng là xúi quẩy. Minh Trạm nhịn không được mà cảm thán một hồi.

    Minh Trạm vừa mới đăng cơ thì liền triệu bốn vị hầu tước đến đế đô rồi ban thưởng hậu hĩnh. Dù sao thì Minh Trạm cũng sẽ không keo kiệt trong chuyện thu mua lòng người. Ở bên ngoài đều nói bệ hạ thánh minh.

    Tiếp theo Minh Trạm làm một động tác thứ hai khiến người ta chú ý, hắn sửa lại tước vị của Thiện Nhân Hầu thành Thiện Kỳ Hầu.

    Trước tiên miễn bàn đến trình độ văn hóa của Minh Trạm, dù sao thì hai chữ Thiện Kỳ có dụ ý đẹp hơn hẳn Thiện Nhân. Nhưng thánh chỉ của Hoàng đế đã ban xuống, vì vậy mọi người lén nghị luận một chút cũng là điều hiển nhiên.

    Bởi vì hiện tại cũng không có quyền lợi thức tế trong hoàng thất cho nên Thiện Nhân Hầu đành ngoan ngoãn tiếp chỉ, những người khác cũng không còn gì để nói. Nhưng bỗng nhiên Hoàng thượng lại sửa đổi phong hào cho Thiện Nhân Hầu có vai vế lớn nhất trong bốn vị hầu tước, chuyện này không thể không làm cho người ta suy nghĩ sâu xa.

    Hành động sâu xa của Hoàng thượng lại trùng hợp ngay khi tam tiểu thư của Thiện Kỳ Hầu làm lễ đính hôn với nhà Kính Mẫn đại trưởng Công chúa, nhi tử của Kính Mẫn đại trưởng Công chúa và Thiện Nhân Hầu phủ kết thông gia, điều này có nghĩa Hoàng thượng đối xử khá tốt với Thiện Nhân Hầu, Công chúa kết thân với hoàng thất, đây cũng là thái độ bình thường.

    Mặc dù hoàng thất không nhất định là quyền cao chức trọng, chỉ cần có huyết thống hoàng thất, chỉ cần an phận như Thiện Kỳ Hầu thì cả đời đương nhiên sẽ gắn với hai chữ cao quý.

    Kính Mẫn đại trưởng Công chúa cho nhi tử đính hôn với nữ nhi hoàng thất chính là vì muốn được an ổn. Nay đột nhiên vô duyên vô cớ Hoàng thượng sửa lại phong hào của Thiện Nhân Hầu.

    Không biết về phương diện này có hàm nghĩa gì hay không?

    Người Thiên triều có khả năng và trí tưởng tượng trong việc lý giải tâm tư của những kẻ ngồi trên thượng vị hoàn toàn hơn hẳn những tộc người khác. Chưa kể thánh chỉ của Minh Trạm gây nên tiếng vang lớn như vậy, nhớ ngày đó Hoàng thượng chỉ nhảy mũi vài cái, đánh rắm vài cái thì đã có không biết bao nhiêu người suy đoán Hoàng thượng có ý gì?

    Tỷ như phong hào của Thiện Nhân Hầu được sửa đổi thì lập tức có người ngầm bất mãn, “Chỉ là trùng tên với Thiện Nhân đường mà thôi, huống chi phong hào của ca ca xưa nay vẫn thế, là Nhân Tông hoàng đế thấy ca ca có công cứu Thái hồ chống lũ, vì vậy Nhân Tông hoàng đế mới đích thân phong thưởng. Nay nói sửa liền sửa, như vậy quy củ tổ tông đặt ở đâu?”

    “Ca ca hiện tại là đường bá của Hoàng thượng, bất quá chỉ là trùng tên với dược đường của Thái hậu thì bèn đòi sửa lại phong hào của ca ca. Ngày sau nếu phong hào của ta giống con chó của Thái hậu thì e rằng ta cũng phải nhường đường cho một con chó!” Lâm Giang Hầu phồng mang trợn má, nói một cách bất mãn.

    Thiện Nhân Hầu cả giận nói, “Ngươi nói cái gì vậy?”

    Mắng đệ đệ một câu, hắn nói tiếp, “Không được để ta nghe những câu như thế nữa, bằng không quốc pháp gia quy cũng sẽ không tha cho ngươi!”

    Lâm Giang Hầu vội la lên, “Chẳng lẽ ca ca cứ như vậy mà đồng ý ư?”

    “Quay về đọc sách đi.” Thiện Nhân Hầu liếc mắt nhìn đệ đệ, thản nhiên nói, “Ăn nhiều cơm, ít nói một chút.” Ở đế đô mà còn dám nói năng làm càn như thế, huyết thống của bọn họ đối với hoàng thất hiện tại đã khá xa, không tiếp nhận thì còn có thể làm gì đây?

    Lâm Giang Hầu thở dài, “Cùng là con cháu của Thái Tông hoàng đế vậy mà lại như thế?”

    “Đại ca, chúng ta không cần so đo, nhưng còn con cháu của chúng ta thì sao?”

    Chú ý đến chuyện của Thiện Nhân Hầu không phải chỉ có giới danh môn vọng tộc ở đế đô, bởi vì Minh Trạm thường viết các động thái của triều đình lên Tập san Hoàng thất, vì vậy chuyện này chỉ cần người nào thích đọc Tập san Hoàng thất thì sẽ biết được.

    Dòng họ của Tấn Vương ở tận Đại Đồng, nay là Tấn Quốc Công đang nói với nhi tử Phượng Khang Bảo, “Thủ đoạn của bệ hạ quá gấp rút.”

    Phượng Khang Bảo đáp, “Bệ hạ có chí khí hiên ngang.”

    Tấn Quốc Công thở dài, “Hiên ngang hay không hiên ngang, Thái thượng hoàng vẫn còn khỏe mạnh mà Hoàng thượng đã sửa lại quy củ trong thiên hạ. Hầy, nay các thần tử thế nào, cũng đâu có ai chịu khuyên can.”

    Phượng Khang Bảo hiển nhiên không có chung ý kiến với phụ thân của mình, “Phụ thân, Hoàng thượng vừa đăng cơ liền cải cách thuế muối, nhi tử ở bên ngoài nghe nói hiện tại giá muối đã giảm hơn ba phần so với trước kia, dân chúng đều ca tụng ân đức của Hoàng thượng.”

    Tấn Quốc Công lắc đầu cười cảm thán, “Mặc dù dân chúng ca tụng Hoàng thượng nhưng Hoàng thượng muốn thống trị thiên hạ thì cũng không thể chỉ dựa vào dân chúng là đủ.”

    Tuy rằng vô số dân chúng trầm trồ ca ngợi việc cải cách thuế muối nhưng trong tầng lớp quan viên, có ai chân chính tán thưởng Hoàng thượng anh minh hay không? Mông vừa ngồi lên ngai vàng thì đã bắt đầu dẹp bỏ quy củ, lập ra phép tắc mới, có đủ uy vọng hay không? Thủ hạ có phục hay không?

    Tuy rằng tân hoàng có hành động anh minh, nhưng trong mắt của Tấn Quốc Công thì lúc này Hoàng đế hiển nhiên không phải một Hoàng đế chính chắn.

    Nhưng mặc kệ dư luận nói thế nào thì Minh Trạm vẫn dựa theo bản tính của mình để làm Hoàng đế.

    Minh Trạm chỉ không ngờ là Triệu gia lại phản kích Trầm Chuyết Ngôn nhanh như vậy.

    Đương nhiên Triệu gia không nhằm vào Trầm Chuyết Ngôn mà bọn họ trực tiếp muốn loại bỏ ngọn núi chống lưng lớn nhất của Trầm Chuyết Ngôn, người đó chính là: Tổng đốc Hoài Dương, Lâm Vĩnh Thường.

    Triệu Thanh Di mặc tang y dâng tấu chương lên triều đình, bảo rằng Lâm Vĩnh Thường giả tạo thân phận, Lâm Vĩnh Thường không phải người Chiết Mân mà là tôn tử của phạm quan Phạm Lâm Hi: thủ hạ của Lệ thái tử thời Nhân Tông hoàng đế, mấy năm nay mai danh ẩn tích, trốn trong triều đình, có âm mưu đen tối.

    Tin này vừa tung ra thì khắp thiên hạ đều ồ lên.

    Ngay cả tết Trùng dương mà Minh Trạm cũng chưa kịp tổ chức.

    “Thật đáng ngạc nhiên.” Minh Trạm nói với Lại bộ Thượng thư Trịnh Lâm Trọng và Công bộ Thượng thư Lý Bình Chu, “Trẫm đã điều tra, khi Lâm Vĩnh Thường thi cử nhân thì Trịnh Lâm Trọng ngươi đang nhậm chức Tổng đốc Chiết Mân. Khi Lâm Vĩnh Thường thi ân khoa mùa xuân thì lão Lý ngươi làm quan chủ khảo. Hai người các ngươi thấy thế nào?”

    Cho dù hai người có trung thành hay chính trực đến đâu thì cũng không thể nói chính mình có mắt không tròng.

    Lý Bình Chu là người đứng đầu trong các tướng quốc, đương nhiên đáp trước, “Bệ hạ, khi thi tú tài thì sẽ có ba người nghiệm chứng lai lịch, sau đó là thi hương, ân khoa mùa xuân, mỗi một kỳ thi đều nghiệm chứng lai lịch rất cẩn thận, huống chi Lâm đại nhân làm quan trong triều đã lâu, lúc trước Lâm đại nhân làm Ngự sử, từng vì triều đình và dân chúng mà đứng ra đòi công lý chính nghĩa, cho nên đắc tội không ít người. Còn nữa, cháu của Lâm đại nhân lại có hiềm khích với Triệu gia, thiên hạ đều biết việc này. Nay Lâm đại nhân còn trẻ mà có địa vị cao như thế, được bệ hạ trọng dụng. Có câu, kẻ không bị đố kỵ là vì tài trí bình thường. Có lẽ có người ghen tị hãm hại cũng nên.”

    Trịnh Lâm Trọng lấy ra bộ văn kiện hộ tịch của Lâm Vĩnh Thường từ trong tay áo, bên trong còn có ảnh vẽ chân dung của Lâm Vĩnh Thường, Trịnh Lâm Trọng trầm giọng cất tiếng, “Thỉnh bệ hạ xem qua, bức vẽ này của Lâm đại nhân tuy được vẽ lúc còn thiếu thời, nhưng mặt mày ngũ quan đều rõ ràng. Bức vẽ này cũng không phải người của Hộ bộ vẽ, mà là ở quê nhà của Lâm đại nhân, do Phúc Châu phủ vẽ, cũng không có dấu vết giả tạo.” Thành thật mà nói thì ở thời này tranh chân dung của mọi người cũng không giống người thật cho lắm. Nhưng việc này sẽ liên lụy không chỉ một hai người. Hoàng thượng triệu nhị vị Thượng thư đến nghị luận, Trịnh Lâm Trọng làm Tổng đốc Chiết Mân ngay thời đó, vậy mà bên dưới lại xảy ra chuyện này, vì thế phải lập tức làm rõ mới được.

    Lý Bình Chu xem như tin tưởng ái đồ của chính mình, hắn nói thẳng, “Bệ hạ, Phạm Lâm Hi năm đó chết trong ngục vì bệnh, mọi người trong nhà đều bị sung quân Tây Bắc làm nô dịch, trên người nô dịch sẽ có dấu khắc. Việc này cũng đơn giản thôi, chỉ cần nghiệm thân là sẽ biết ngay. Chẳng qua Lâm Vĩnh Thường là nhất phẩm Tổng đốc mà gặp phải chuyện nhục nhã như vậy thì thần thật sự không đành lòng.”

    Mặc dù Lý Bình Chu không đành lòng nhưng trong tấu chương của Triệu Thanh Di có câu: Nếu không đúng sự thật thì cam nguyện nhận tội phỉ báng.

    Chuyện này không bằng không chứng, Triệu gia dám tố cáo Tổng đốc của một tỉnh, lại là tâm phúc của ngự tiền! Cho dù muốn báo thù cho phụ thân thì cũng không thể liều mạng như thế. Cho nên cũng có không ít người hoài nghi, có lẽ thân thế của Lâm Vĩnh Thường quả thật có vấn đề.

    Người xem náo nhiệt thật không ít, lập tức có người đề nghị, triệu Lâm Vĩnh Thường quay về đế đô tự biện giải, tạm dừng nhiệm vụ chủ bút Tập san Hoàng thất của Trầm Chuyết Ngôn.

    Minh Trạm thản nhiên nói, “Tổng đốc của một tỉnh có thể tạm rời cương vị hay sao? Trầm Chuyết Ngôn không quan không chức, chỉ là thư sinh, viết mấy bài trên tập san. Còn nữa, cho dù Lâm Vĩnh Thường có tội, bọn họ chỉ là quan hệ cậu cháu, cũng không thể vì thế mà liên lụy đến Trầm Chuyết Ngôn.”

    Khi hoạn nạn mới biết chân tình.

    Tuy rằng Ngụy Tử Nghiêu không có bản lĩnh, bản tính phóng khoáng thường xuyên bị người đời phỉ nhổ, nhưng quan hệ giao tế của hắn ở đế đô lại không tệ. Nguyên nhân chính là vì người này rất trượng nghĩa.

    Hiện tại những kẻ thường đến tìm Trầm Chuyết Ngôn chỉ sau một đêm đã biến mất tăm hơi. Thấy Lâm Vĩnh Thường sắp rơi đài, mọi người chỉ hận không thể phân chia ranh giới với Trầm Chuyết Ngôn, thấy hắn thì chỉ hận không thể đi đường vòng.

    Nhưng Ngụy Tử Nghiêu lại cố ý tìm đến an ủi Trầm Chuyết Ngôn, “Đừng lo lắng, không sao đâu, mọi người thường thích thị phi, lắm mồm như đám nữ nhân ăn không ngồi rồi.”

    Hắn còn cố ý nói tốt thay Trầm Chuyết Ngôn với Minh Trạm, đại ý là, “Chỉ nghe nói là có thể tố cáo vì tin đồn chứ chưa từng nghe nói có thể định tội vì tin đồn. Chuyện của Lâm đại nhân cũng không liên quan đến Trầm Chuyết Ngôn. Hoàng thượng, ngài anh minh thần võ như vậy, tiểu Trầm vì tập san của ngài mà luôn tỉ mỉ chu đáo. Ngài nói thử xem, ta là một công tử chơi bời trác táng, có biết cái gì đâu? Những chuyện đại sự đều phải dựa vào Trầm Chuyết Ngôn. Lúc này tiểu Trầm gặp nạn, nếu ngài cắt chức của hắn thì ta cũng sẽ không tiếp tục đảm đương nhiệm vụ đâu.”

    Con người ai mà không vì lợi ích của mình. Hành vi này của Ngụy Tử Nghiêu mặc dù lỗ mãng vô mưu nhưng có thể thấy được tấm chân tình của hắn. Thảo nào Vệ Dĩnh Gia cứ mặt dày mà bám miết Ngụy Tử Nghiêu người ta như thế!

    Ngô Uyển cũng phái người gửi cho Trầm Chuyết Ngôn mấy thứ, Trầm Chuyết Ngôn bảo rằng không sao, hắn chỉ lo lắng cho cữu cữu ở Hoài Dương mà thôi.

    Thuộc truyện: Hoàng Đế Nan Vi