Home Đam Mỹ UAAG – Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không – Chương 36

    UAAG – Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không – Chương 36

    Thuộc truyện: UAAG – Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không

    *Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

    UAAG – Đội điều tra tai nạn hàng không

    Tác giả: Mạc Thần Hoan

    Chuyển ngữ: Dú

    Quyển 3: Bismarck

    Chương 36: Bất lực tập nhiễm

    Người nhà cơ trưởng Kyle Schulman đúng 8 giờ sáng hôm sau đến trụ sở điều tra.

    Lúc Lina nói cho Phục Thành rằng người nhà cơ trưởng gặp nạn đã đợi anh ở phòng họp, Phục Thành đầu tiên là sửng sốt, đoạn ngẩng đầu nhìn đồng hồ treo tường. “8 giờ 2 phút, đúng giờ thế cơ à?”

    Lina mỉm cười: “Thật ra họ vào cửa vào đúng 8 giờ, không lệch một giây một phút nào.”

    Phục Thành gật đầu ra chiều đăm chiêu, cầm bút ghi âm và tập tài liệu vào phòng họp.

    Những câu hỏi dành cho người nhà cơ trưởng gặp nạn chủ yếu do Phục Thành phụ trách, Tô Phi ngồi bên giúp đỡ mà thôi. Hai người bật bút ghi âm xong thì Phục Thành đi thẳng vào vấn đề luôn: “Xin cô hãy nén buồn thương. Cháu tên là Evan Fu, là thành viên đội điều tra tai nạn hàng không UAAG, phụ trách chính điều tra sự cố US Airways 4012 lần này. Đêm qua chúng ta đã gặp nhau rồi, hôm nay mời hai người đến là để hỏi một số chuyện về cơ trưởng Kyle. Đây là con trai của cơ trưởng Kyle sao?”

    Phục Thành quay đầu nhìn sang người con trai cao to ngồi bên cạnh cô Schulman.

    Đêm qua lúc anh đến khách sạn chỉ gặp được cô Schulman chứ không gặp con trai của cô. Bây giờ là lần đầu tiên gặp nhau.

    Đó là một chàng trai cao ráo chừng 16, 17 tuổi diện bộ âu phục màu nâu đỏ, thắt một cái nơ bướm màu nâu trên cổ. Phục Thành đột nhiên hỏi đến cậu làm cậu ngẩn ra, không trả lời ngay mà nhìn về phía mẹ mình như đang trưng cầu ý kiến của bà. Cô Schulman mặt tái đi, hai tay nắm chặt vạt áo, há miệng trong băn khoăn, trả lời giúp con trai: “Đúng, thằng bé là con trai tôi – David.”

    Nhìn cử chỉ qua lại của hai mẹ con, Phục Thành trầm tư một lát mới mỉm cười: “Chào em, David, em có thể gọi anh là Evan.”

    David cúi đầu, không hé răng.

    Tô Phi quét mắt quan sát đôi mắt của hai mẹ con nhà này. Đến cả cậu ta cũng cảm thấy hai người cứ là lạ thế nào nữa là.

    Phục Thành tiếp chuyện: “Vậy chúng ta tìm hiểu về cuộc sống hằng ngày của cơ trưởng Kyle trước nhé. Cháu đọc trên tài liệu có nói ông ấy rất khỏe mạnh, hằng năm có đi kiểm tra sức khỏe định kì, và hình như tuần nào cũng sẽ đi tập gym ở phòng thể hình?”

    Suốt cả buổi sáng, Phục Thành và Tô Phi thẩm vấn cặn kẽ người nhà của cơ trưởng Kyle.

    David Schulman hầu như chẳng bao giờ mở miệng, cậu luôn cúi gằm mặt, câu nào cũng do mẹ trả lời thay. Cô Schulman cũng mang thái độ hết sức cẩn thận: Cẩn thận lắng nghe từng câu hỏi của Phục Thành, dốc hết khả năng giải thích sự nghi ngờ của anh. Hai người đều mặc lễ phục gọn gàng đẹp đẽ và cực kì trịnh trọng, song dáng vẻ cẩn thận của họ lại như hai kẻ tình nghi đang bị thẩm vấn.

    Phục Thành tự mình tiễn mẹ con Schulman ra khỏi trụ sở điều tra.

    Đợi hai người đi rồi, Tô Phi mới tắt bút ghi âm, hỏi với vẻ khó hiểu: “Nếu không biết chúng ta đang điều tra một vụ tai nạn hàng không chứ không phải một vụ án giết người thì với cái điệu bộ của họ, em sẽ thật sự nghi ngờ hai mẹ con này là hung thủ, hoặc chí ít họ biết hung thủ là ai.” Ngớ ra, Tô Phi nhìn Phục Thành với vẻ khiếp sợ, “Đậu xanh, đừng bảo em đoán trúng rồi nhé? Cơ trưởng Kyle có khuynh hướng tự sát, người nhà ông ta biết chuyện này nên mới sợ sệt đến thế, và giấu giếm giúp ông ta?”

    Phục Thành: “…”

    “Cậu xem bao nhiêu bộ phim Mỹ rồi?”

    “Thì trên tivi chả chiếu thế hả? Chứ không thì anh Phục à, anh nói coi, vì sao hai mẹ con nhà Schulman lại căng thẳng như vậy? Bây giờ vẫn chưa có chứng cứ chứng minh là lỗi sai của cơ trưởng, vả lại người lái ngày hôm đó không phải cơ trưởng Kyle mà là cơ phó Tim cơ. Nếu cuối cùng chúng ta điều tra ra nguyên nhân do con người thì càng có khả năng lỗi thuộc về Tim chứ đâu phải Kyle. Họ sợ sệt thế làm quái gì.”

    “…”

    “Anh cũng cạn lời rồi nhỉ.”

    Lina đi qua từ một bên, nhìn vẻ mặt đắc chí của Tô Phi và dáng vẻ câm nín của Phục Thành, cô cười tủm tỉm: “Sao, thẩm vấn có biến cố gì à? Kể tôi nghe được không?”

    Phục Thành sực nhớ ra Lina từng nói cô có bằng Thạc sĩ Tâm lý học của đại học Yale. Khác với suy đoán của Tô Phi, trong mắt Phục Thành, biểu hiện của mẹ con nhà Schulman không giống như chột dạ mà như có chướng ngại tâm lý đặc biệt nào đó.

    Nghĩ vậy, Phục Thành nhìn Lina, trưng biểu cảm nghiêm túc: “Quả đúng là có chuyện muốn nhờ cô giảng giải giúp. Tình hình cụ thể là thế này…”

    Phục Thành kể lại rõ tình hình cuộc thẩm vấn hai mẹ con Schulman sáng nay cho Lina.

    Vẻ mặt Lina dần dần nghiêm trọng.

    “Phục à, có lẽ tôi nên thẩm vấn mẹ con nhà Schulman với anh.” Sáng nay Lina tạm thời nhận một công việc khác nên bảo Tô Phi đón tiếp hai mẹ con Schulman với Phục Thành thay cô. Cô nàng bảo: “Theo kinh nghiệm của tôi thì điều anh suy đoán không hề sai, mẹ con Schulman biểu hiện như thế không phải vì họ nghĩ cơ trưởng Kyle Schulman có thể là người chịu trách nhiệm và thấy thẹn trong lòng đâu, mà là bởi vì họ đã không còn người đáng tin cậy đưa ra ý kiến cho họ nữa rồi.”

    Lina giải thích: “Năm 1967, lúc nhà tâm lý học người Mỹ tiến hành thí nghiệm với chó đã đề xuất hiệu ứng “Bất lực tập nhiễm”*. Ông giam chó trong lồng, sau đó bật máy phát tiếng chuông. Chỉ cần tiếng chuông vừa reo lên, ông sẽ cho nó sốc điện. Chó bị giam trong lồng không thể chạy trốn được, chỉ biết bị sốc điện. Sau nhiều lần tiến hành thí nghiệm như vậy, ông lại bật chuông lên, đồng thời mở cửa lồng ra; song chó chẳng những không chạy đi mà còn chủ động nằm sấp xuống run như cầy sấy dưới tình huống điện không được bật. Bởi vì nó đã mất khả năng cầu cứu và nắm bắt hi vọng, trái lại còn chủ động đợi sự sốc điện. Đó chính là hiệu ứng “Bất lực tập nhiễm”.”

    (*Bất lực tập nhiễm hay còn gọi là Learned Helplessness: Xuất hiện khi một sinh vật chịu một kích thích khó chịu lặp đi lặp lại mà nó không thể trốn chạy được. Rốt cuộc, con vật sẽ dừng việc né tránh kích thích đó và hành xử như thể mình bất lực hoàn toàn và không thể thay đổi được hoàn cảnh. Thậm chí khi có cơ hội trốn thoát thì hành vi bất lực do học tập mà thành này sẽ ngăn chủ thể thực hiện bất kỳ hành động nào để thoát khỏi tình huống.

    Đọc thêm tại đây:)

    “Trong một gia đình, nếu bố mẹ quá cường thế thì sẽ thường dẫn tới hai kiểu thay đổi đối với con trẻ. Kiểu thứ nhất là phản nghịch quá mức, kiểu thứ hai là bất lực tập nhiễm. Không biết phản kháng thì sẽ không phản kháng, mà không phản kháng thì cho dù có đạt đến cái tuổi đủ để làm trái nghịch với bố mẹ thì cũng sẽ vì từ nhỏ đến lớn bị trói buộc bởi lồng sắt vô hình, bị sốc điện mà đánh mất khả năng trốn thoát, cho nên họ sẽ không thoát khỏi trạng thái khốn đốn này được.”

    “Đương nhiên, David Schulman vẫn chưa đến nỗi “Chủ động chờ bị sốc điện”, nhưng hiển nhiên cậu bé là một đứa trẻ chịu áp bức trường kì. Khi anh chủ động bắt chuyện với cậu bé, cậu bé sẽ không trả lời anh ngay mà sẽ trưng cầu ý kiến của mẹ trước đã. Điều này chứng tỏ rằng trong tiềm thức của cậu bé, cậu bé không hề có quyền chủ động trao đổi với thế giới bên ngoài.”

    Phục Thành nhíu mày lại: “Nhưng theo tôi thấy thì cô Schulman chẳng hề giống một người rất áp đặt.”

    “Vậy Kyle Schulman thì sao?”

    Phục Thành giật thót, ngẩng đầu nhìn Lina.

    Lina: “Trong một gia đình không nhất thiết phải có hai kẻ “phát-xít”, chỉ cần một ông bố đủ cường thế là đã đủ để nắm chặt vợ và con trai mình rồi. Bây giờ chúa tể của gia đình đột ngột qua đời, vợ và con trai không còn người đưa ra chủ kiến nữa, cho nên họ không biết phải lựa chọn như thế nào.”

    “Sau khi phát hiện xác máy bay, họ không đến Boston trước là bởi vì không ai nói họ nên đến, thế nên họ vẫn luôn đợi ở nhà.”

    “Lúc UAAG đưa ra lời mời với họ, mời họ đến Boston một chuyến để thẩm vấn thì họ mới lên đường. Bởi vì họ nhận được “mệnh lệnh”, và nhận mệnh lệnh đó trong sự chết lặng, đặt chân đến thành phố này.”

    “Đêm qua anh nói với cô Schulman là 8 giờ sáng mai sẽ đợi họ ở trụ sở điều tra nên đúng 8 giờ, không lệch một giây một phút nào, họ xuất hiện.”

    Lina thở dài: “Cậu bé Schulman mới 16 tuổi, nhưng cô Schulman thì đã bị “dạy dỗ” rất nhiều năm rồi. Có lẽ trong một gia đình mà người bố quá cứng rắn, thì người thật sự chịu ảnh hưởng lớn nhất không phải con trai ông ta mà là vợ ông ta. Cô ấy đã không còn khả năng chủ động trốn thoát khỏi lồng giam nữa. Đương nhiên, tất cả chỉ là phân tích của tôi. Tôi không trực tiếp trò chuyện với hai mẹ con họ nên không thể nhận định rõ tình huống cụ thể.”

    Phục Thành im lặng mãi, đoạn xoay người nói với Tô Phi: “Kyle Schulman, tính cách cực kì cứng rắn.”

    Tô Phi đã nghe đến nghệt mặt ra, một lúc sau mới gật đầu: “Vâng, em nhớ kĩ rồi.”

    Lina: “Phục à, lần tới tôi và anh sẽ đón tiếp người bị thẩm vấn.”

    Phục Thành khẽ vuốt cằm.

    Tâm lý học là một môn tri thức bí ẩn và quan trọng, lúc đặt câu hỏi với người bị thẩm vấn, Lina có thể đoán được suy nghĩ thật sự của đối phương qua ngữ điệu, cách dùng từ, thậm chí là nét mặt của họ hơn. Đó cũng là lí do vì sao Trác Hoàn bảo Phục Thành và Lina chịu trách nhiệm điều tra những người liên quan.

    Đến buổi trưa, hai người lại gặp nhân viên của hãng US Airways và của sân bay.

    Vì đã có suy đoán về tính cách của cơ trưởng Kyle nên lúc Phục Thành lặp lại câu hỏi đã mang tính định hướng hơn.

    Phục Thành: “Anh đã từng bay cùng với cơ trưởng Kyle chưa? Xin hỏi lúc hai người cùng làm nhiệm vụ với nhau thì đại khái ra sao.”

    Phi công bị thẩm vấn ngẩn người, đoạn trả lời: “Cơ trưởng Schulman là một phi công rất nghiêm túc. Ông ấy quá đỗi xuất sắc, cái lần tôi và ông ấy cùng nhau lái máy bay thì ông ấy phụ trách lái, tôi phụ trách liên lạc vô tuyến và kiểm tra máy móc. Kĩ thuật điều khiển của ông ấy vô cùng xuất sắc, toàn bộ hành trình không hề xóc nảy lấy một lần nào. Ông ấy là một phi công ưu tú mà rất làm người ta phải sùng kính.”

    Lina: “Lúc các anh lái máy bay, có chuyện nào khiến anh ấn tượng sâu không?”

    Anh ta nghĩ: “Có. Có một lần tiếp viên hàng không đến đưa cơm, tôi ăn món B, cơ trưởng Schulman ăn món A. Nhưng ông ấy không thích vị của món A nên tôi đề nghị đổi món với ông ấy, song bị ông ấy nghiêm túc từ chối. Một tiếng sau, ông ấy mới ăn món B mà tiếp viên mới đưa tới.”

    Phục Thành: “Ừm, chúng tôi biết rồi. À đúng, hỏi anh một câu cuối cùng, trên tài liệu có nói các anh đã chấp hành nhiệm vụ với nhau năm lần, nhưng anh vẫn gọi ông ấy là cơ trưởng Schulman chứ không phải cơ trưởng Kyle… Vì sao?”

    Anh phi công chẳng nghĩ gì đã thốt lên: “Tôi nghĩ xưng hô kiểu đó sẽ tôn trọng cơ trưởng Schulman hơn. Có vẻ ông ấy không phải một người hay nói đùa.”

    Phục Thành và Lina liếc nhau.

    Sau khi anh phi công này đi, Phục Thành viết xuống tài liệu: “Nghiêm túc, bảo thủ, không dễ thân.”

    Lina: “Vì không thích món A nên khăng khăng muốn ăn món B, điều này thể hiện mặt cố chấp không dễ thay đổi trong tính cách của ông ta. Khi cơ phó đề nghị đổi món với nhau, ông ta đã từ chối đối phương, đó là thể hiện tính cách áp đặt và chuyên quyền. Hơn nữa, hãy chú ý đến cách dùng từ của anh phi công này, là “nghiêm túc từ chối”. Trong tiềm thức anh ta, có lẽ anh ta cũng không ý thức được rằng kí ức của anh ta đối với chuyện này hãy còn mới; thế nên anh ta không hề chủ động nhận ra nhưng vẫn theo bản năng mà cho rằng Kyle Schulman rất nghiêm nghị. Anh ta có mang tâm lý sợ hãi.”

    Phục Thành nhìn cô: “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tai nạn máy bay?”

    Lina suy ngẫm một lúc, đoạn lắc đầu: “Không biết nữa.”

    Nhiệm vụ thẩm vấn dần lâm vào tình thế bế tắc.

    Đương sự Kyle Schulman đã qua đời trong vụ tai nạn, muốn hiểu thêm về người đàn ông này cũng như mối quan hệ của ông ta và cơ phó Tim Harrison thì chỉ có thể phỏng đoán từ dăm ba câu nói của người ngoài, như ếch ngồi đáy giếng vậy. Song, đến chạng vạng, vụ việc bỗng có bước ngoặt.

    Người bị thẩm vấn là một quản lý cấp cao của sân bay Logan.

    “Có một lần tôi nghe được từ xa Kyle Schulman đang răn dạy Tim Harrison trong phòng nghỉ của phi hành đoàn. Đương nhiên không phải là trước vụ tai nạn máy bay này mà là rất lâu về trước, ít nhất phải là một năm trước. Hình như lúc đó công tác kiểm tra trước khi bay của Harrison không được tốt nên xảy ra lỗi khi liên lạc với sân bay. Nhưng tôi chỉ đi ngang qua, nghe được chút xíu chứ không nghe rõ.”

    Phục Thành biến sắc, lập tức nói: “Trên thực tế, hai người này chỉ chấp hành lái với nhau ba lần, lần này là lần thứ ba của họ. Hai lần trước, một lần là vào tháng 3 năm 2020, một lần là vào tháng 7. Xin anh hãy nhớ lại cẩn thận xem cái lần anh nghe Kyle quở mắng Tim chính xác là vào mùa xuân hay mùa hè?”

    Mất một lúc lâu để nhớ lại, ông ta nghiêm túc đáp: “Mùa hè.”

    Đêm đến, Phục Thành in hết toàn bộ báo cáo thẩm vấn cả ngày hôm nay ra, soạn thành quyển rồi nộp cho Trác Hoàn.

    Anh đi xuống tầng một.

    Trong kho hàng cao lớn và rộng thênh thang, Trác Hoàn đang thảo luận việc trục trặc máy móc của cánh lái hướng với Lovince.

    Trước mặt họ là một cái van servo* rỉ sắt xám ngoét bị nước biển ăn mòn. Lúc rơi xuống biển, lực va chạm cực lớn làm toàn bộ máy bay bị va đập rất mạnh, nhưng van servo gắn bên trong không bị phá hủy, chỉ bị méo do lực mà thôi. Lovince đang tranh luận với Trác Hoàn về việc hình dáng méo mó của van servo có thể hình thành trước khi rơi xuống biển hay không.

    (Van servo là dạng van phối hợp giữa hai loại van: van phân phối và van tiết lưu, kết hợp với tín hiệu điều khiển điện. Van servo có thể điều khiển được vô cấp lưu lượng qua van. Van servo được dùng trong các mạch điều khiển tự động.)

    “Có tiền lệ đấy, là vụ “Richard Dive”*. Năm 1996, trên chuyến bay US Airways 3157, cơ trưởng lái máy bay đâm thẳng xuống hồ Muối Lớn. Một trong những nguyên nhân khả thi mà người ta suy đoán sau đó là van servo gặp trục trặc. Patrick ạ, nếu một cái máy bay tăng tốc đâm vào biển vì lỗi máy móc thì tôi tin rằng việc van servo gặp trục trặc là một trong những nguyên nhân.” Lovince đưa ra lí luận, “Vả lại nhìn hình dáng méo mó này, xác suất là rất lớn. Tôi đề nghị đưa nó đến trụ sở chính của Airbus để kiểm tra.”

    (*Đọc lại vụ US Airways 3157 tại chương 17.)

    “Đó là do lỗi thiết kế của Boeing, trong khi cái máy bay này là Airbus. Không phải lãng phí thì giờ, chắc chắn van servo không phải là một trong những nguyên nhân.”

    Lovince không phục: “Tại sao?”

    Trác Hoàn nhướn mày, hắn rất hiếm khi gặp phải ai hùng hồn phản bác hắn như thế này. Hắn bật cười, đang định mở lời thì có một giọng nam nhã nhặn cất lên từ phía sau: “Bởi vì thầy Trác đã từng dỡ cái máy bay này rồi.”

    Trác Hoàn và Lovince đồng loạt quay đầu lại.

    Lovince: “…”

    Ông chịu thua: “Được, thế tôi đi xem lỗi động cơ trước.”

    Lovince đi rồi thì Phục Thành bước tới.

    Trác Hoàn cười nhạt nhìn anh, giọng dài ra: “Sao tôi lại không biết là mình từng dỡ con Airbus A390 nhỉ?”

    Phục Thành sửng sốt: “… Anh chưa từng dỡ?”

    Trác Hoàn hờ hững đáp: “Airbus A390 là cái máy bay mới chạy lần đầu vào tháng 5 năm 2019. Tháng 6 tôi từ chức ở Mạch Phi. Những cái máy bay tôi từng dỡ đều là máy bay Mạch Phi đứng ra mua. Nên cậu nói thử coi, tôi đã bao giờ dỡ nó chưa?”

    Phục Thành: “…”

    “Máy bay anh dỡ đều do Mạch Phi mua về?”

    Đáp một tiếng lười biếng: “Ừ.”

    Phục Thành: “…”

    Hóa ra là giàu fake!

    Phục Thành trưng bản mặt vô cảm: “Tôi gọi Lovince lại.”

    Trác Hoàn không nhịn nổi đành bật cười thành tiếng: “Ừ, tôi từng dỡ con Airbus A390 rồi.”

    Phục Thành nhìn hắn bằng ánh mắt lạ hoắc, ý bảo: Ban nãy anh vừa nói Mạch Phi không mua máy bay cho anh nữa mà.

    Đại gia Trác hỏi lại: “Mạch Phi không mua thì tôi không thể tự mua à?”

    “…”

    Cái tên này vẫn là nhà tư bản gian ác kia!

    *Dú: Bìa của UAAG nèee, một sự kết hợp của Dú và Dên (Jane nhà Tanpopo)

    Thuộc truyện: UAAG – Đội Điều Tra Tai Nạn Hàng Không